Thời gian gần đây ở nước ta xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng trong đó phần lớn là do các phương tiện đò ngang không đảm bảo an toàn gây ra. Phú Yên hiện có rất nhiều bến và đò ngang tham gia vận chuyển hành khách, vì thế công tác đảm bảo an toàn đang được đặt ra nghiêm ngặt, nhất là trong mùa mưa bão. Hiện nay, ngành Giao thông - Vận tải đang phối hợp cùng các ngành và các địa phương triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho các chuyến đò chở khách trên sông.
Trao đổi với “Phú Yên cuối tuần”, Phó Giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Thành Trí cho biết:
Những con đò vận chuyển khách thô sơ như thế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy - Ảnh: HOÀI TRUNG
- Mới đây, Sở GT-VT đã phối hợp cùng Phòng CSGT Công an tỉnh và phòng Hạ tầng kinh tế các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy hiện toàn tỉnh có 24 bến đò ngang, 34 phương tiện thủy hành nghề vận chuyển hành khách, trong đó mới chỉ có 15 phương tiện được cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, 2 phương tiện thô sơ, số còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật. Điều đáng lo hơn là trong số 34 người điều khiển phương tiện đò ngang còn đến 19 người không có chứng chỉ chuyên môn theo qui định của Luật giao thông đường thủy nội địa. Cũng cần nói thêm rằng trong đợt kiểm tra năm nay, chất lượng các phương tiện tham gia vận chuyển hành khách tại các bến đò ngang trên địa bàn toàn tỉnh có khá hơn năm trước. Tất cả các phương tiện được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đều có vỏ tốt, máy tốt, người điều khiển có chứng chỉ chuyên môn, trang bị đầy đủ phao cứu sinh… nên được đoàn kiểm tra liên ngành cho phép hoạt động dưới sự giam sát của chính quyền địa phương. Đối với những phương tiện thiếu các điều kiện an toàn chúng tôi cương quyết đình chỉ hoạt động.
* Như ông vừa nói, hiện có đến 19 người không có chứng chỉ chuyên môn nhưng vẫn lái đò chở người. Vậy hướng giải quyết việc này thế nào?
- Những người này hành nghề theo kiểu cha truyền con nối, một số có thâm niên đưa đò đã lâu nhưng ít chữ, sợ tốn kém lại không có thời gian nên không chịu đi học lấy chứng chỉ. Về phía ngành, trong thời gian qua chúng tôi đã phối hợp các địa phương tổ chức được mấy lớp tập huấn điều khiển phương tiện thủy nội địa. Song đến nay vẫn còn 19 người lái đò chưa có chứng chỉ chuyên môn là điều đáng tiếc. Dự kiến ngay trong tháng 11 năm nay, Sở GT-VT sẽ mở lớp tập huấn cho các đối tượng này để cấp chứng chỉ chuyên môn.
* Theo ông, Phú Yên cần phải làm gì nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với các phương tiện thủy tham gia vận chuyển hành khách?
- Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực này. Đối với Phú Yên nhằm thực hiện đúng theo qui định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Sở GT-VT đề nghị các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt công tác quản lý đối với hoạt động của phương tiện vận chuyển khách ngang sông và phương tiện thủy gia dụng. Trước mắt, lực lượng thanh tra giao thông phối hợp cùng CSGT Công an tỉnh tăng cường kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm đối với các phương tiện đò ngang không đăng ký đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn, phương tiện chở quá số người qui định, trang bị không đầy đủ dụng cụ cứu sinh… Đối với những bến đò ngang vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm các qui định về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa thì phải đình chỉ hoạt động.
Sở GT-VT cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có bến đò ngang cần tăng cường công tác kiểm tra, chỉnh trang các bến đò theo đúng qui định, buộc các chủ phương tiện phải chấp hành Luật Giao thông đường thủy trong việc bảo đảm chất lượng an toàn phương tiện, trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh khi vận chuyển hành khách qua sông nhất là trong mùa bão lụt.
* Xin cảm ơn ông!
HOÀI TRUNG (thực hiện)