Nhiệm vụ chính của Trại tạm giam (Công an Phú Yên) là tiếp nhận, quản lý, áp giải bị can đưa đi xét xử.
Thượng tá Nguyễn Duy Huân, Giám thị trại tạm giam, cho biết: Phạm nhân ở đây đều có án phạt tù từ 5 năm trở xuống. Thông thường, trại chỉ quản lý khoảng trên dưới 100 đối tượng, nhưng cũng có lúc phải quản đến gấp đôi. Tuy thi hành án phạt tù dưới 5 năm là chủ yếu, nhưng ở đây có đến 40-50% đối tượng có tiền án hoặc đã qua trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục nên có nhiều “kinh nghiệm” đối phó với cán bộ quản giáo. Nhiều đối tượng vốn thích ăn chơi, lười lao động, một thời “làm mưa làm gió”, rất khó cải tạo. Những đối tượng này, mãn hạn tù không bao lâu thì đã quay lại trại với mức án cao hơn. Chỉ cần một chút sơ hở là họ lén lút đưa những vật cấm vô trại. Một số đối tượng tự xưng “đại ca”, làm “đầu gấu” trong buồng giam, bắt các phạm nhân mới phục vụ hoặc ăn chặn phần ăn của họ.
Những phạm nhân cải tạo tốt được tha tù trước thời hạn - Ảnh: X.HIẾU
Việc tiếp nhận, giam giữ những đối tượng chưa qua xét xử, đặc biệt là những đối tượng phạm tội nghiêm trọng rất khó khăn và phức tạp. Nhiều đối tượng tìm cách trốn trại hoặc có ý định tự sát. Chẳng hạn đầu năm nay có đối tượng dùng búa đánh vào đầu lái xe ôm để cướp xe, khi mới vào trại đã có ý định tự tử, sau đó tuyệt thực, không chịu ăn uống. Để cảm hoá, buộc đối tượng chấp hành nghiêm nội quy của trại, cán bộ quản giáo không chỉ dựa vào pháp luật mà phải giáo dục thuyết phục, đối xử với họ bằng tình người.
Đại uý Nguyễn Văn Cư, cán bộ quản lý buồng giam, 44 tuổi đã có đến 28 năm làm quản giáo, cho biết: Khi tiếp nhận, đưa đối tượng vào buồng giam, việc đầu tiên là thông báo, truyền đạt nội quy buồng giam và của trại để đối tượng rõ, có cơ sở chấp hành tốt. Hàng ngày, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khoẻ, diễn biến tâm trạng của từng can phạm, nhất là những khúc mắc về gia đình, nắm bắt tình hình buồng giam, chống thông cung, liên lạc, chống tự sát và phục vụ tốt công tác điều tra, xét xử thi hành án. Phải cho phạm nhân biết chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta, chỉ ra được cái sai của từng người để họ phấn đấu cải tạo, không để họ đánh mất hy vọng. Theo ông Cư, vì mức độ và hành vi phạm tội của mỗi người không giống nhau. Có người cố ý nhưng có người chỉ vì vô ý, do vậy, cách giáo dục, hình thức quản lý với từng loại can phạm, đối tượng cũng phải khác.
Chúng tôi đến thăm nơi giam giữ phạm nhân đều là nam. Vừa từ vườn rau về và đã tắm rửa, anh em phạm nhân đang quây quần bên những chiếc ti vi. Đại uý Lê Trung Hưng, Phó phân trại giam cho biết: Đối với những phạm nhân bị án phạt tù do vô ý phạm tội, như không trả được nợ, gây tai nạn giao thông, lỡ gây thương tích…việc quản lý, giáo dục không mấy vất vả. Tuy nhiên với những đối tượng hay ra vào trại thì rất phức tạp. Căn cứ vào mỗi loại tội trạng, hoàn cảnh cụ thể khác nhau của từng phạm nhân, theo từng mức án khác nhau mà trại lập kế hoạch phân loại và có hướng giáo dục phù hợp. Trong đó chú trọng việc phân công lao động hợp lý để tạo cho mỗi phạm nhân đều có việc làm thích hợp. Qua đó giúp họ ý thức được giá trị của sức lao động bỏ ra. Ngoài thời gian lao động bắt buộc, phạm nhân được sinh hoạt văn- thể- mỹ, như: đánh bóng chuyền, xem tivi… Chính vì vậy, từ năm 1990 đến nay không có trường hợp phạm nhân nào trốn trại.
LẠC VIỆT