Vì không hiểu biết mà có nhiều người đã vi phạm pháp luật, thậm chí phạm tội. Cũng chính vì thiếu hiểu biết về pháp luật mà nhiều người đã không tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Cán bộ tư pháp tuyên truyền pháp luật cho người dân miền núi Phú Yên - Ảnh: V.TÀI
Bị xử phạt 3 năm tù về tội cố ý gây thương tích, bị cáo H muốn viết đơn kháng cáo xin giảm án nhưng lại sợ tòa án phúc thẩm tăng hình phạt. Khi tòa án phúc thẩm xử phạt 18 tháng cải tạo không giam giữ, nhiều người cho rằng như thế là xử nặng hơn 9 tháng... Trên thực tế, nếu bị cáo kháng cáo xin giảm án thì tòa án chỉ có quyền chấp nhận hoặc giữ nguyên án sơ thẩm mà không được tăng án; còn hình phạt cải tạo không giam giữ là loại hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù. Những trường hợp không hiểu biết pháp luật như vậy không những trong lĩnh vực hình sự mà cả trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính.
Vấn đề đặt ra là phải làm gì để “xóa mù” pháp luật cho người dân? Có rất nhiều biện pháp, song cuối cùng vẫn là việc tăng cường công tác phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Mặc dù trình độ dân trí từng bước được nâng cao, nhưng nhìn chung, việc hiểu biết về pháp luật của người dân vẫn còn thấp, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày còn những người nhận thức và xử sự không đúng pháp luật, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, phạm tội.
Phổ biến, giáo dục pháp luật được hiểu là việc vận dụng những biện pháp đồng bộ làm cho quần chúng nhân dân nắm được pháp luật một cách đầy đủ và hiểu được nội dung của các văn bản pháp luật. Đây là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều phương pháp và hình thức phù hợp với từng loại đối tượng khác nhau. Ý nghĩa của việc phổ biến, giáo dục pháp luật còn thể hiện ở chỗ: khi đã hiểu biết pháp luật, không những quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật mà họ còn biết lên án, bất bình đối với những việc làm sai pháp luật của những người khác. Từ đó, họ có ý thức đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm để bảo vệ pháp luật, bảo vệ kỷ cương phép nước.
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Theo đó, việc phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Các cấp ủy đảng có trách nhiệm lãnh đạo chính quyền các cấp tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp với địa bàn và đối tượng khác nhau; xây dựng kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực cho các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định việc tìm hiểu, học tập pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên; thông qua việc gương mẫu chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên mà thuyết phục, giáo dục quần chúng, thành viên trong gia đình ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật.
Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, đã nêu rõ: Tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nên gắn với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thể chế hóa kịp thời, đúng đắn và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tổ chức thi hành pháp luật và các cơ quan tư pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
NGỌC THẢO