Báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an toàn giao thông” của Tỉnh ủy Phú Yên cho biết: Từ năm 2003 đến tháng 6/2011, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1.425 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 1.350 người chết, 1.064 người bị thương. Tính ra, bình quân mỗi năm, Phú Yên có 150 người chết, 118 người bị thương vì TNGT.
Còn trên phạm vi cả nước, mỗi năm TNGT cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người. Có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt xảy ra trên các tuyến giao thông trọng điểm, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Có ngày, số người chết vì TNGT lên tới gần 40 người.
Có thể nói cùng với sự phát triển của đất nước, TNGT trở thành nỗi lo thường trực, ám ảnh của không ít gia đình. TNGT không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người mà còn để lại gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội. Xuất phát từ thực trạng đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm kiềm chế và đẩy lùi TNGT. Bên cạnh Chỉ thị 22 của Ban Bí thư nói trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Nghị định 34NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị quyết 88/NQ-CP về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, tình hình giao thông vẫn diễn biến phức tạp, chưa đem lại kết quả như mong muốn.
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên có nhiều: Do kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu; trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, nhất là số lượng mô tô, ô tô; công tác quản lý giao thông vận tải còn nhiều bất cập. Nhưng quan trọng và quyết định vẫn là ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế; văn hóa giao thông chưa trở thành nếp sống đẹp của xã hội. Tình trạng không chấp hành luật lệ giao thông còn diễn ra phổ biến, thậm chí có trường hợp người vi phạm luật lệ giao thông còn chống lại người thi hành công vụ...
Nhiều năm trở lại đây, tháng 9 hàng năm là Tháng An toàn giao thông. Các ngành chức năng đã huy động nhiều lực lượng tăng cường trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, các đợt ra quân của các lực lượng chức năng chưa thực hiện đồng bộ, thường chú trọng các biện pháp “chống”, chứ chưa đẩy mạnh thực hiện các biện pháp “xây”. Hơn nữa các cuộc ra quân đó chỉ làm mạnh trong tháng đó, không duy trì thường xuyên, liên tục.
Ðể khắc phục triệt để tình trạng trên, ngày 24/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1702/TTg-KTN về việc “Tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm an toàn giao thông” nêu rõ: năm 2012 là Năm An toàn giao thông. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết ra quân Năm An toàn giao thông ngay trong tháng 1/2012. Trong công văn này, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ những giải pháp cần triển khai đồng bộ, quyết liệt và liên tục như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các quy định cụ thể của pháp luật với từng đối tượng, tránh tuyên truyền chung chung; duy trì thường xuyên việc tuần tra kiểm soát trên khắp tuyến đường và xử lý nghiêm với hình phạt cao nhất đối với những trường hợp vi phạm luật giao thông….
Việc bảo đảm an toàn giao thông trong tình hình hiện nay là một nhiệm vụ chính trị quan trọng cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia theo như tinh thần của Chỉ thị 22-CT/TW. Việc làm đó cần phải được đồng bộ, kiên quyết và liên tục. Có thực hiện được như vậy, công tác bảo đảm an toàn giao thông mới có sự chuyển biến tích cực và mục tiêu làm giảm TNGT mới đạt hiệu quả bền vững.
NGUYÊN TRƯỜNG