“Luật phòng chống ma tuý có hiệu lực từ tháng 6/2001, nhưng đến nay vẫn thiếu văn bản hướng dẫn xác định người nghiện. Thực tế đã có một số trường hợp kết luận oan sai, gây hậu quả nghiêm trọng”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Lương Phan Cừ phát biểu chiều 11/10.
Ông Cừ phân tích, luật quy định người nghiện ma tuý là người sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này. Do không có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xác định người nghiện ma tuý, nên mỗi địa phương hiểu và áp dụng một kiểu. Đa số trường hợp dựa vào que thử chất ma tuý để xác định người nghiện. Nhưng gần đây, có tỉnh như Sơn La khẳng định việc xác định người nghiện ma tuý là dựa vào điện não đồ. Hệ quả một số trường hợp bị kết luận oan sai.
Qua giám sát tình hình 5 năm thực hiện Luật phòng chống ma tuý, Ủy ban Các vấn đề xã hội đã liệt kê hàng loạt hạn chế trong triển khai luật. Ngoài việc thiếu văn bản nêu trên, Phó chủ nhiệm Cừ phản ánh việc truy tố người nghiện ma tuý về tội sử dụng trái phép chất ma tuý (điều 199 Bộ Luật hình sự) là rất khó. Tỉnh Tây Ninh mới truy tố được 3 người với tội danh này, có tỉnh không truy tố trường hợp nào.
“Viện kiểm sát cho rằng để truy tố phải bắt quả tang người nghiện sử dụng ma tuý, chứ không chỉ căn cứ vào kết quả thử chất ma tuý và sự thừa nhận của đối tượng. Trong khi đó rất khó bắt quả tang”, ông Cừ đưa ra lý do. Một thực tế nữa là nếu truy tố và xử phạt tù thì trại giam cũng không đủ chỗ. Hiện các trại giam đã quá tải.
Thảo luận về báo cáo giám sát này, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đều thực sự lo lắng trước tình trạng nghiện ma tuý liên tục gia tăng, xâm nhập vào mọi tầng lớp, mọi địa bàn. Nếu như năm 2000 cả nước chỉ có 95.000 người nghiện thì đến nay là khoảng 155.000 người, chưa kể trung bình mỗi năm có trên 4.000 người nghiện chết. Trong khi đó, cai nghiện không hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện là 70-80%, nhiều nơi tới 100%.
Báo cáo giám sát này sẽ được trình bày tại kỳ họp Quốc hội, khai mạc vào ngày 17/10.
Theo VNE