TAND huyện Đồng Xuân vừa mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án trai làng đánh nhau gây thương tích đối với 14 bị cáo trú xã Xuân Phước. Kết thúc phiên xét xử, tòa tuyên phạt 14 bị cáo tổng cộng 34 năm 6 tháng tù, trong đó có 9 người phải vào tù. Đây là bài học đắt giá dành cho những người xâm hại thân thể người khác và coi thường pháp luật.
Đứng trước vành móng ngựa TAND huyện Đồng Xuân là 14 bị cáo gồm: Nguyễn Diện, Nguyễn Tài Tử, Nguyễn Quang Duy, Nguyễn Thanh Liêm, Trần Tiến Dũng, Ngô Văn Toàn, Dương Tấn Đạt, Trần Ngọc Hưng, Nguyễn Minh Toàn, Trần Văn Bảo, Trần Văn Thái, Trần Quốc Vệ, Trần Thanh Lưu và Nguyễn Hoàng Tín. Tất cả cùng trú thôn Phú Hội, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) và đều bị truy tố về tội cố ý gây thương tích.
Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Đồng Xuân, do trước đây giữa thanh niên hai thôn Phước Hòa và Phú Hội nảy sinh mâu thuẫn và đã xảy ra xô xát, đánh nhau nhiều lần nên tối 1/5/2010, khi phát hiện có nhóm thanh niên thôn Phước Hòa đến ngã tư thôn Phú Hội chơi thì Nguyễn Diện rủ nhóm thanh niên thôn Phú Hội đang ở quán Hồng Gấm gần đó chặn đánh nhóm thanh niên này. Trước khi đi, Diện lấy hai con dao tự tạo đem theo. Diện cầm một dao, cái còn lại đưa cho Nguyễn Quang Duy, rồi nhờ Lê Thành Khương dùng môtô chở đến chỗ nhóm thanh niên thôn Phước Hòa. Khi đến nơi, do Diện làm rớt con dao xuống đất nên Bùi Xuân An (thanh niên thôn Phước Hòa) chạy ra nhặt, rồi xông tới chém Diện, nhưng Diện chạy vào trong xóm trốn được nên An không đuổi kịp.
Thấy Diện bị An đuổi đánh nên Khương chở Duy quay trở lại, còn Diện cũng theo đường tắt trở lại quán Hồng Gấm để tụ tập thêm các “chiến hữu”. Sau khi nghe Diện kể lại sự việc, Nguyễn Tài Tử, Dương Tấn Đạt, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Liêm và Trần Quốc Vệ cùng với Diện, Duy đi tìm đánh nhóm thanh niên Phước Hòa. Khi cả nhóm thống nhất tập trung trên cầu xi măng ở xóm Cây Xoài thì Diện điện thoại rủ thêm Trần Ngọc Hưng, Ngô Văn Toàn. Riêng Hưng điện thoại rủ thêm Nguyễn Minh Toàn, Nguyễn Hoàng Tín và Nguyễn Đình Hoài. Trước khi đánh, Diện cầm theo dao, Tử và Liêm mỗi người cầm một ống tuýp sắt, số còn lại mỗi người lấy một khúc cây ven đường làm hung khí, rồi chia ra thành hai nhóm để đuổi đánh và chặn đường rút của nhóm Phước Hòa. Lúc đó, nhóm thanh niên Phước Hòa trên đường đi về; Riêng Lê Võ Nhật, Nguyễn Duy Lâm, Lê Đặng Vũ rủ nhau vào xóm Cây Xoài để thăm bạn gái của Vũ.
Khi Vũ, Lâm, Nhật đi đến trước cửa Phân trường tiểu học Xuân Phước 2 thì bị nhóm của Diện chặn đánh. Diện dùng dao chém nhiều nhát, những người khác thì dùng ống tuýp sắt, cây gỗ đánh vào người Lâm và Vũ. Nghe đánh nhau, những người dân gần đó kêu cứu nên nhóm thanh niên Phú Hội bỏ chạy, còn Lâm và Vũ được người dân đưa đi cấp cứu.
Tại bản giám định pháp y số 302 ngày 12/8/2010 của Trung tâm Pháp y tỉnh Phú Yên kết luận: Lê Đặng Vũ bị tác động bởi vật sắt gây thương tích 18%; Nguyễn Duy Lâm bị tác động bởi vật sắt, vật tày gây thương tích 6%.
Sau khi gây án, nhóm của Diện bỏ trốn khỏi địa phương gây khó khăn cho công tác điều tra vụ án. Đến ngày 10/5/2010, Nguyễn Diện, Nguyễn Tài Tử và Ngô Văn Toàn mới đến làm việc theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, các bị can này còn bàn bạc với Nguyễn Thanh Liêm, Trần Ngọc Hưng, Trần Tiến Dũng, Dương Tất Đạt, Nguyễn Quang Huy thống nhất chỉ để 8 người chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật, 7 người còn lại gồm: Trần Văn Bảo, Nguyễn Hoàng Tín, Trần Văn Thái, Trần Thành Lưu, Trần Quốc Vệ, Nguyễn Minh Toàn, Nguyễn Đình Hoài sẽ được đồng bọn che giấu và phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại. Song song đó, các gia đình của các bị cáo này dù biết con mình vi phạm pháp luật, nhưng cố tình che giấu và khai dối để đối phó với cơ quan điều tra. Trong đó, ông Trần Văn Lẻ là cha ruột của Trần Ngọc Hưng đã viết giấy cam kết đền bù cho phía bị hại để gia đình 7 đối tượng vừa nêu ký cam kết thực hiện. Thế nhưng, vụ việc vẫn không qua mặt được cơ quan điều tra và các bị cáo đã lần lượt sa lưới pháp luật.
Tại phiên xử sơ thẩm, trước những chứng cứ không thể chối, 14 bị cáo trên đã cúi đầu nhận tội. Kết thúc phiên xử, tòa tuyên phạt 14 bị cáo tổng cộng 34 năm 6 tháng tù. Trong đó, bị cáo Nguyễn Diện lãnh án 4 năm tù, 8 bị cáo khác lãnh án tù từ 2 đến 3 năm và 5 bị cáo khác được hưởng án treo. Riêng Nguyễn Đình Hoài (SN 1994) lúc phạm tội chưa đủ 16 tuổi nên Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Đồng Xuân không khởi tố và xử lýhành chính; đối với Lê Thành Khương có hành vi dùng môtô chở Diện và Duy đến chỗ thanh niên Phước Hòa và Bùi Văn An có hành vi cầm dao đuổi đánh Diện, nhưng xét thấy hành vi của các đối tượng này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nên Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Đồng Xuân chỉ xử phạt hành chính; đối với ông Trần Văn Lẻ có hành vi che giấu sự thật của vụ án, nhưng sau khi được giải thích đã tự nguyện hợp tác với cơ quan điều tra, xét thấy hành vi của ông Lẻ không cấu thành tội che giấu tội phạm nên cơ quan điều tra tách ra để xử lý bằng biện pháp khác đúng quy định của pháp luật…
LỆ VĂN