Không có súng đạn, không có những cuộc đuổi bắt ngoạn mục, không được dư luận báo chí khen ngợi mỗi khi xử lý xong một vụ trọng án nhưng những đóng góp thầm lặng của các cán bộ kiểm sát trong cuộc chiến chống tham nhũng đã và đang góp phần xây dựng bộ máy cơ quan Nhà nước trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân.
Các bị cáo trong vụ án cố ý làm trái, đưa và nhận hối lộ ở công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông trong phiên xét xử sơ thẩm - Ảnh: V.TÀI
Mặt trận chống tham nhũng luôn là mặt trận gay go quyết liệt nhất nhưng các cán bộ tư pháp thuộc lực lượng phòng chống tham nhũng tỉnh Phú Yên, đặc biệt là các cán bộ công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) đã đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn, xử lý và phòng ngừa tham nhũng.
Án tham nhũng luôn được coi là phức tạp, tội phạm lại đa dạng, thủ đoạn hành vi và có tính chống đối pháp luật cao hơn, vụ việc thường xảy ra nhiều năm mới phát hiện được, quá trình điều tra xử lý phải kéo dài. Đó là những nguyên nhân khiến các điều tra viên lẫn kiểm sát viên đau đầu. Những người phạm tội không chỉ thông minh, có trình độ mà còn là những người có nhiều mối quan hệ xã hội. Họ thường được gọi là những “tư sản có thẻ đảng viên trong túi ngực” (Lênin), câu kết nhau lại để chà đạp lên pháp luật của Nhà nước, gây mất niềm tin của quần chúng với chế độ. Đối với họ, năm trăm ngàn chỉ là năm trăm ngàn - một số tiền nhỏ, nhưng đối với các “chiến sĩ” trên mặt trận phòng chống tham nhũng - những người “ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân”, năm trăm ngàn là nửa triệu. Tiền của dân, xót lắm! Chính những yếu tố đó đòi hỏi các cán bộ tư pháp vừa phải có ý chí quyết tâm, vừa phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng mới trụ được và giành chiến thắng trong cuộc chiến khốc liệt ấy.
Ở giai đoạn nhận và xử lý tin báo tố giác tội phạm, các kiểm sát viên phải tham gia cùng cơ quan điều tra đấu tranh với tội phạm, đã phải trăn trở ngày đêm nghiên cứu hồ sơ để đảm bảo việc khởi tố đúng người đúng tội. Hầu như toàn bộ quá trình điều tra, người kiểm sát luôn phải sát cánh bên các điều tra viên, bám sát hồ sơ điều tra, phối hợp với điều tra viên đề ra yêu cầu điều tra, chứng minh đầy đủ các chứng cứ buộc tội, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, hậu quả, nguyên nhân, điều kiện phạm tội… Khi cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ thì giai đoạn bắt tay vào để nghiên cứu án, phát hiện những mâu thuẫn trong hồ sơ để yêu cầu làm rõ, xác định rõ sự thật vụ án là giai đoạn “in đậm” của người cán bộ kiểm sát nhằm đảm bảo việc truy tố và phục vụ quá trình công tố của Viện kiểm sát tại tòa án.
Tuy nhiên, nếu công việc của các điều tra viên gần như kết thúc ở giai đoạn chuyển hồ sơ qua Viện kiểm sát thì các cán bộ kiểm sát vẫn chưa thể “thở phào nhẹ nhõm” được bởi khi giải quyết án, không chỉ dừng lại ở góc độ đảm bảo số lượng xử lý các vụ án, Viện kiểm sát còn chú trọng chất lượng giải quyết án nhằm bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, kiểm sát viên phải chịu tác động nhiều chiều và luôn có những quan điểm trái ngược với người ngồi ở vị trí công tố. Một vụ án tham nhũng có tính chất phức tạp, bao nhiêu bị cáo là có bấy nhiêu luật sư. Có vụ án, ngồi ở vị trí đại diện viện kiểm sát chỉ vẻn vẹn từ một đến hai kiểm sát viên, trong khi bên kia là cả một lực lượng luật sư hùng hậu có khi lên đến cả chục người. Màn đấu trí diễn ra tại tòa không hề cân sức về lực lượng. Nhưng với tinh thần dẻo dai, ý thức trách nhiệm cao, bản lĩnh vững vàng, những lập luận sắc bén và các chi tiết án đã được các cơ quan điều tra thu thập làm rõ, các công tố viên đã chứng minh một chân lý: Số đông không phải bao giờ cũng thắng, người chiến thắng cuối cùng là người đúng. Cuộc sống có quy luật riêng và tất yếu của nó, kẻ gây tội thì phải bị pháp luật xử lý nghiêm minh.
Có vụ án, phiên tòa kéo dài bởi tòa án chưa chấp nhận quan điểm truy tố của Viện KSND nhưng kiểm sát viên vẫn kiên trì giữ vững lập trường, kiên quyết đấu tranh làm rõ quan điểm, cáo trạng. Như vụ án tham ô tài sản, đưa nhận hối lộ xảy ra tại kè Bạch Đằng được dư luận quan tâm trong một thời gian dài. Lần thứ nhất, phiên xử kéo dài trên hai mươi ngày với hàng chục bị cáo nhưng phiên xử vẫn không khép lại được. Tòa án trả hồ sơ nhưng Viện KSND tỉnh không chấp nhận, vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố buộc tòa án phải mở tiếp phiên xử lần thứ hai kéo dài hơn một tuần nhưng sau đó, kết quả xét xử ba bị cáo không phù hợp với quy định của pháp luật, VKS tiếp tục kháng nghị lên tòa phúc thẩm xét xử và ra một bản án đúng người đúng tội…
Gian nan là thế nhưng dường như trên mặt báo hay trong ý thức người dân vẫn thiếu vắng hình ảnh người cán bộ mặc áo xanh vẫn âm thầm ngày đêm trong cuộc chiến gay go nhất ở thời bình, giữ gìn sự trong sạch xã hội, giữ vững và củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước.
BẢO CHÂU
(Viện KSND tỉnh Phú Yên)