Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Phú Yên và VKSND các huyện, thị xã, thành phố đã không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính đúng pháp luật, kịp thời, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp Việt Nam trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh…
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức Hội thi kiểm sát viên giỏi năm 2011- Ảnh: C.T.V
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Bộ Luật Tố tụng dân sự và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trong những năm qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Có những quy định không còn phù hợp hoặc mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác... Để khắc phục những vướng mắc, bất cập của pháp luật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và thực trạng hoạt động tư pháp dân sự, hành chính ở nước ta, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính với nhiều nội dung đổi mới so với các quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, đề cao vị trí, vai trò của VKSND trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính nhằm tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả chức năng nhiệm vụ của mình.
Với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính của VKSND sẽ có một sự thay đổi lớn. Những nội dung đổi mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính nhằm mở rộng và tăng cường hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, thể hiện Đảng và Nhà nước đã nhìn nhận, khẳng định vai trò, trách nhiệm quan trọng của VKSND trong hệ thống cơ quan tư pháp; thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của Đảng và Nhà nước đối với VKSND. Theo đó, VKSND không chỉ có vai trò quan trọng khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố mà cần nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của ngành Kiểm sát trong thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm mà VKSND phải cố gắng thực hiện cho thật tốt để xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước, đáp ứng sự mong mỏi của người dân.
Thời gian tới, VKSND tỉnh Phú Yên và VKSND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải có nhiều biện pháp đổi mới toàn diện và đồng bộ. Trước hết tập trung quán triệt sâu sắc cho toàn cán bộ, kiểm sát viên nhận thức đúng đắn, đầy đủ những nội dung mới của Bộ Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung) và Luật Tố tụng hành chính. Trong các đạo luật mới, có nhiều vấn đề thừa kế những quy định về vị trí, chức năng của VKSND trước đây, đồng thời có một số vấn đề mới. Tiếp đó, VKSND cần xác định đúng phạm vi để chỉ đạo công tác kiểm sát dân sự, hành chính thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Theo Điều 21 của Bộ Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung) và Điều 23 Luật Tố tụng hành chính, phạm vi của công tác kiểm sát được mở rộng từ kiểm sát việc thụ lý, tham gia các phiên tòa, phiên họp, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân, kiểm sát các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân, kiểm sát các quyết định khác của Tòa án nhân dân mà không qua thủ tục xét xử.
Bên cạnh đó, VKSND cần đặc biệt chú ý đối tượng của công tác kiểm sát dân sự là hoạt động tố tụng xét xử các vụ án dân sự của Tòa án nhân dân. Thực tiễn cho thấy, mặc dù có gần 200.000 vụ việc dân sự được thụ lý trong một năm, nhưng có hơn 60% số vụ việc được tòa án giải quyết bằng con đường không thông qua xét xử mà thông qua hòa giải để các đương sự tự thỏa thuận. Tòa án chỉ cần ra quyết định công nhận sự thỏa thuận. Không có kháng cáo và kháng nghị phúc thẩm đối với loại quyết định này. Phương thức hòa giải cũng được thực hiện trong suốt quá trình tố tụng, ngay cả khi vụ án đã được thụ lý giải quyết bằng tố tụng xét xử, nếu xuất hiện khả năng đương sự có thể tự thỏa thuận thì tòa án cũng thực hiện ngay việc hòa giải. Từ thực tiễn đó cho thấy, trọng tâm, trọng điểm của công tác kiểm sát dân sự là kiểm sát những vụ việc được tòa án thụ lý và giải quyết bằng trình tự xét xử. Đối với những vụ việc khác, VKSND cũng phải bảo đảm việc giải quyết của tòa án là đúng pháp luật, trên nguyên tắc tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Trong các quyết định của tòa án, cần tập trung kiểm sát các quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ vụ án và quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự để phát hiện các vi phạm và thực hiện việc kháng nghị theo thẩm quyền.
Ngoài ra, VKSND cần đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ có đủ năng lực để thực hiện công tác kiểm sát án dân sự, hành chính cho phù hợp với việc đổi mới chức năng; tiến hành các biện pháp để xây dựng đội ngũ kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh, tinh thông về nghiệp vụ, có bản lĩnh nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao để đảm đương nhiệm vụ.
HỒ MINH TÂM
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh