Phú Yên hiện có 116 trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), là những cán bộ tư pháp, tư vấn viên và cộng tác viên pháp lý ở 112 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, hiện đội ngũ trợ giúp pháp lý (TGPL) hầu hết đều kiêm nhiệm, chưa được đào tạo vững về chuyên môn nên không thể giải quyết tốt nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân. Bên cạnh đó, chế độ phụ cấp, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác TGPL vẫn còn nhiều bất cập.
Trợ giúp viên pháp lý Ngô Văn Thành (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh) đang tư vấn cho người dân Suối Trai (huyện Sơn Hòa). Tuy nhiên, do bất đồng ngôn ngữ, việc trợ giúp gặp nhiều khó khăn. - Ảnh: X.HIẾU
NHỮNG TỒN TẠI
TGPL là chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm bảo vệ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em không nơi nương tựa… Thế nhưng hiện nay, đội ngũ TGVPL ở Phú Yên thường là những công chức nhà nước, lĩnh vực và đối tượng của TGVPL hạn hẹp hơn như không được chọn khách hàng, chọn lĩnh vực tư vấn, không được nhận thù lao, không được chấm dứt hợp đồng như luật sư mà họ phải tư vấn, tham gia theo yêu cầu của người được TGPL với trách nhiệm nặng nề. TGVPL còn phải tập trung rất nhiều thời gian, công sức vào hoạt động TGPL lưu động ở vùng sâu, vùng xa hay những công việc hành chính mà họ đang công tác nên làm ảnh hưởng đến công tác TGPL.
Ông K’Pá Y Phân, cán bộ Tư pháp xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) nói: “TGVPL thường tham gia hoạt động TGPL lưu động. Đây là một hoạt động rất cụ thể, thiết thực cho người dân và chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, điều kiện làm việc và khả năng nâng cao trình độ, năng lực của TGVPL cũng chịu thiệt thòi khi không được thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ. Vì vậy, đa phần nội dung tư vấn chỉ là vấn đề đơn giản thường lặp đi lặp lại ở chỗ này chỗ khác, thiếu đi tính hấp dẫn, tính khoa học, ảnh hưởng đến tâm tư của người thực hiện TGPL”.
Có một thực tế là TGVPL thường kiêm nhiệm nên chất lượng công tác TGPL còn hạn chế khi nhiều vụ việc trợ giúp vẫn không đi đến kết quả cuối cùng nên giảm lòng tin cho người được TGPL. Trong khi đó, lực lượng TGVPL ở các xã miền núi hiện nay còn ít, phát triển không cân đối giữa các địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ Tư pháp xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân): “Việc chưa tạo được mạng lưới TGVPL ở vùng sâu, vùng xa cũng là một trở ngại, khiến cho việc đưa chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với người dân gặp nhiều khó khăn. Nhất là khi các TGVPL tổ chức trợ giúp lưu động không am hiểu ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số nên phần nào đã ảnh hưởng đết chất lượng hoạt động TGPL. Trong thời gian đến, cần phải có giải pháp căn cơ chú trọng đào tạo TGVPL là người địa phương, am hiểu tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các địa bàn cần được TGPL”.
ÐÂU LÀ GIẢI PHÁP THÁO GỠ?
TGVPL là một công việc đòi hỏi có chuyên môn sâu. Nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng TGPL hiện nay là việc thường xuyên luân chuyển các TGVPL sang làm công tác khác đã làm mất tính ổn định nên họ không có điều kiện tích lũy kỹ năng kinh nghiệm nghề nghiệp, gây ra nhiều lãng phí về nguồn lực dành cho việc đào tạo, bồi dưỡng. Mặt khác, chế độ đãi ngộ cho TGVPL đến nay vẫn còn chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ của họ khi làm công tác TGPL. Theo ông Lương Văn Trương, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Yên: “Những khó khăn đã dẫn đến một thực tế là số vụ việc TGPL theo hình thức tố tụng do TGVPL thực hiện chưa đến 10% tổng số vụ việc TGPL đã giải quyết. Vì vậy, trung tâm phải thuê luật sư để tham gia tố tụng tại các phiên tòa cho các đối tượng theo quy định Luật TGPL... Điều này đồng nghĩa với việc phải tốn khá nhiều kinh phí để trả cho luật sư”.
Cũng theo ông Trương, ngày càng có nhiều văn bản pháp luật được ban hành thì nhu cầu TGPL của người dân ngày càng tăng, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, hiện tỉ lệ người thuộc diện TGPL biết về dịch vụ TGPL còn rất thấp nên dù có vướng mắc về pháp luật nhưng người dân vẫn chưa thể tiếp cận và sử dụng TGPL miễn phí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Để công tác TGPL phát triển ổn định, bền vững trong thời gian đến, cần phải có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người TGVPL, cũng như dành một khoản kinh phí tương xứng để hỗ trợ hoạt động TGPL ở cơ sở. Vì hoạt động TGPL mà TGVPL là hạt nhân nòng cốt đã có đóng góp không nhỏ là đem chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào trong thời gian qua, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, kịp thời giải đáp thắc mắc cho nhân dân ngay tại cơ sở, giảm tình trạng khiếu kiện không đáng có, giữ gìn an ninh trật tự địa phương… Điều đó giúp người dân tự ứng xử đúng quy định nhằm giải quyết các tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình, cũng như hạn chế các vụ việc vi phạm pháp luật.
LỆ VĂN