Khoảng 18g ngày 24/10/2010, Y Bảy (SN 1991, trú tại xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) không có giấy phép lái xe, điều khiển môtô 78S1- 0702 chở Sô Minh Đúng lưu hành trên ĐT643 theo hướng tây - đông. Do không làm chủ tốc độ và tránh vượt không đúng quy định nên xe do Bảy điều khiển đã lấn sang phần đường bên trái, tông vào môtô 78H3-1336 do Ngô Hoàng Phong điều khiển đi ngược chiều, làm Phong chết do chấn thương sọ não.
Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Sơn Hòa đã áp dụng điểm a khoản 2 Điều 202; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, Điều 60 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Y Bảy 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm kể từ ngày tuyên án về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Qua kiểm sát bản án, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên nhận thấy cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử bị cáo Y Bảy về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm đã có nhiều vi phạm trong việc áp dụng pháp luật, cụ thể:
- Về tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo Y Bảy là rất nghiêm trọng: Bị cáo điều khiển môtô là nguồn nguy hiểm cao độ nhưng không chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ: không có giấy phép lái xe, đi ban đêm nhưng xe không có đèn, không làm chủ tốc độ và tránh vượt không đúng quy định nên lấn sang phần đường bên trái, tung vào mô tô ngược chiều, làm 1 người chết. Căn cứ biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ vụ tai nạn giao thông và các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, đủ cơ sở kết luận: Tai nạn xảy ra hoàn toàn do lỗi của bị cáo. Vì vậy, cần phải xử phạt bị cáo hình phạt nghiêm minh. Thế nhưng, bản án sơ thẩm chỉ tuyên phạt bị cáo Bảy 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, là chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ phạm tội và hậu quả do bị cáo gây ra, không có tác dụng giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung.
- Bị cáo bị truy tố, xét xử theo điểm a khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự, có mức hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm, bản án sơ thẩm không áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự khi xử phạt bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
- Tại tiểu mục 6.4 Nghị quyết số 01 ngày 2/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quy định: “Khi cho người bị xử phạt tù hưởng án treo, trong mọi trường hợp tòa án phải ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm và phân biệt như sau:
Trường hợp người bị xử phạt tù không bị tạm giam thì thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới một năm và không được quá 5 năm; trong trường hợp đặc biệt thì tòa án có thể ấn định thời gian thử thách ngắn hơn mức được hướng dẫn tại các điểm a và b tiểu mục 6.4 này, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án”. Bản án sơ thẩm đã xử phạt bị cáo Bảy 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo, nhưng chỉ ấn định thời gian thử thách 4 năm, trong khi bị cáo không phải là trường hợp đặc biệt để ấn định thời gian thử thách ngắn hơn.
Từ đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm nói trên của TAND huyện Sơn Hòa, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm theo hướng: áp dụng thêm Điều 47 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Y Bảy và không cho bị cáo hưởng án treo.
TRẦN BẢO