Thời gian qua, dư luận ở Phú Yên xôn xao, bàn tán về vụ 3 học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành (huyện Tây Hòa) trở về nhà sau hơn nửa năm “mất tích” và bị “bán sống” vào một cơ sở lao động ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, kết quả điều tra xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, bản chất và sự thật của vụ việc hoàn toàn không như tin đồn.
Hợp đồng lao động giữa ông Hoàng Bá Bùi và các em Hoàng, Hợp, Hận - Ảnh: N.KHANG |
VỤ MẤT TÍCH BÍ ẨN
Giữa tháng 10/2010, Công an huyện Tây Hòa cùng lúc nhận đơn báo của các gia đình: bà Ngô Thị Chín (SN 1963), bà Nguyễn Thị Kim Vương, (SN 1977), bà Trương Thị Mạnh (SN 1959) cùng trú xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa về việc 3 người con của họ là Phan Tấn Hợp, Trần Minh Hoàng và Phạm Trường Hận (cùng SN 1996), học sinh lớp 9D Trường THCS Nguyễn Tất Thành đã “mất tích” một cách bí ẩn. Theo những phụ huynh trên, các em này đột ngột bỏ học, bỏ nhà đi đâu không rõ. Cả 3 gia đình đã đi tìm nhiều nơi nhưng vẫn không có tin tức gì. Trong đơn, 3 gia đình đều tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sớm có biện pháp truy tìm các em để sớm trở về với gia đình.
Qua kiểm tra, xác minh tại địa phương, Công an huyện Tây Hòa đã có thông báo truy tìm người mất tích, đồng thời đề nghị Công an tỉnh Phú Yên hỗ trợ trong quá trình truy tìm. Ngày 21/12, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Phú Yên đã có thông báo truy tìm các em trên phạm vi toàn quốc. Sau khi ra thông báo, các đơn vị chức năng đã cùng gia đình các em khẩn trương triển khai các biện pháp tìm kiếm. Kết quả, ngày 15/4/2011, người nhà của em Trần Minh Hoàng - đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh thông qua số điện thoại di động mà một em đã sử dụng để nhắn tin chúc tết về gia đình, xác định được cả 3 em hiện đang làm việc tại một cơ sở may gia công ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh nên đã báo cơ quan công an và chính quyền địa phương đến kiểm tra, thông báo cho gia đình các em biết, đến nhận lãnh và đưa các em trở về nhà.
SỰ THẬT VỀ VỤ “BẮT CÓC”
Chuyến phiêu lưu dài ngày của 3 học sinh có lẽ đã nhanh chóng kết thúc trong vòng tay sum họp của gia đình, người thân và bạn bè. Thế nhưng, khi các em trở về địa phương cũng là lúc những lời đồn đoán trong thời gian các em bị mất tích một lần nữa bị lại nổi lên với thông tin, nào là các em đã bị “bắt cóc”, bị “bán sống” giữa đường, bị “hành hung, đánh đập dã man” tại nơi làm việc… ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự địa phương.
Kết quả điều tra của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (ĐTTP về TTXH) Công an Phú Yên cho biết, do có ý định bỏ nhà đi tìm việc làm nên sáng 13/10/2010, các em Hoàng, Hận, Hợp không đến lớp học mà tụ tập trước cổng trường rủ nhau bỏ nhà vào Đồng Nai, nơi người nhà em Hợp đang bán vé số, để tìm việc làm. Cả ba bàn nhau bán 2 chiếc xe đạp được 250.000 đồng rồi đón xe buýt đến TP Tuy Hòa để đón xe vào Đồng Nai. Trong quá trình đi, các em đã ngủ quên, nên xe chở thẳng vào Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh). Trong lúc cả 3 chưa biết đi đâu và tỏ ý muốn tìm việc làm thì được những người chạy xe ôm khu vực bến xe giới thiệu đến làm việc tại một cơ sở may, nếu làm chạy việc sẽ được chủ bao ăn, ở và trả lương. Nghe vậy, tất cả đồng ý và được người lái xe ôm dẫn về nhà cho ăn uống, nghỉ ngơi, sau đó chở đến giới thiệu làm việc cắt chỉ, gấp áo tại cơ sở may gia công ở phường Tân Quý (quận Tân Phú) do ông Hoàng Bá Bùi làm chủ (Cơ sở này sau đó chuyển về phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh). Trước khi nhận các em vào làm việc và ký hợp đồng lao động với mức thu nhập 12,5 triệu đồng/năm/em, ông Bùi có hỏi thăm về gia đình, lý do các em bỏ nhà đi tìm việc làm, nhưng các em không cho biết. Mỗi ngày các em làm việc 3 ca, mỗi ca 4 giờ, ngày chủ nhật được nghỉ. Mọi sinh hoạt ăn uống, đều ở tại nhà cùng với gia đình ông Bùi. Lúc rảnh rỗi các em còn được con trai ông Bùi dắt đi chơi, được xem ti vi, hát karaoke tại nhà... Riêng em Hợp, khi ngủ thỉnh thoảng có biểu hiện gầm gừ, đầu đập vào tường, tay cào cấu nền nhà nên gia đình ông Bùi nghĩ em Hợp bị mắc bệnh tà ma nên có đưa đến một số thầy lang chữa trị nhưng không khỏi. Ông Bùi hỏi số điện thoại để liên lạc với gia đình em Hợp bàn việc chữa trị nhưng em cho 2 số đều không liên lạc được.
Tại TP Hồ Chí Minh, qua khám sức khỏe, cả 3 em đều bình thường. Tại biên bản làm việc của cơ quan công an trước sự chứng kiến của gia đình và chính quyền địa phương, các em Hoàng, Hợp, Hận đều thừa nhận, quá trình làm việc tại cơ sở may của ông Hoàng Bá Bùi, không ai bị đối xử tệ bạc hay bị đánh đập, cưỡng ép. Nơi làm việc sạch sẽ, thoáng mát, không độc hại hay nặng nhọc, nguy hiểm. Bản thân các em cũng không muốn gia đình biết vì “ở nhà mất gì cũng đổ thừa, làm sai là bị cha mẹ đánh” nên đã chủ động không liên lạc với gia đình trong suốt thời gian dài. Quá trình các em làm việc, ăn ở tại cơ sở may, gia đình ông Bùi đều có đăng ký tạm trú tạm vắng tại địa phương. Còn việc ông Hoàng Bá Bùi trả tiền công môi giới lao động cho người chạy xe ôm là vì, quê ông Bùi ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, mỗi lần về quê tìm người lao động rất khó khăn, chi phí tốn kém. Ông Bùi chỉ sai phạm khi sử dụng lao động vị thành niên, chế độ làm việc quá giờ, trả lương cho các em thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định.
THAY LỜI KẾT
Ngoài vụ việc 3 em học sinh Hoàng, Hợp, Hận, hiện trên địa bàn huyện Tây Hòa và một số địa phương khác trong tỉnh cũng nổi lên tình trạng một số thanh thiếu niên tụ tập, bỏ học, rủ rê bạn bè bỏ nhà sống lang thang khiến gia đình các em phải vất vả tìm kiếm. Tuổi trẻ và hành vi bồng bột của các em sẽ rất dễ bị những đối tượng xấu lợi dụng gây hại hoặc dụ dỗ sa vào con đường phạm tội. Vì vậy, để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục của nhà trường và các cấp chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ cần hết sức quan tâm trong việc dạy dỗ, quản lý con em mình, đừng để các em phải “gãy gánh giữa đường”, sa chân vào các tệ nạn xã hội mất cả tương lai chỉ vì một phút giây ngẫu hứng nông nổi.
NGUYÊN KHANG