Năm 2010, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 124 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 134 người, bị thương 72 người. Tình hình an toàn giao thông trên các tuyến tỉnh lộ, đường nội thành Tuy Hòa và liên thôn, liên xã vẫn còn diễn biến phức tạp.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông trên đường Trường Chinh (phường 7, TP Tuy Hòa) - Ảnh: V.TÀI |
TAI NẠN GIAO THÔNG LUÔN RÌNH RẬP
Theo thống kê của Ban an toàn giao thông tỉnh, trong năm 2010, toàn tỉnh đã xảy ra 124 vụ tai nạn giao thông, làm chết 134 người, bị thương 72 người. So với cùng kỳ năm 2009, TNGT giảm 8 vụ, giảm 8 người chết. Bên cạnh đó, lực lượng tuần tra kiểm soát đã xử lý 37.180 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, thu nộp ngân sách nhà nước 16,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, mỗi ngày trên các tuyến tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn đều xảy ra ít nhất 1 vụ TNGT, va quệt giao thông, gây chết người…
Gần đây nhất, vào chiều ngày 18/12/2010, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên ĐT645, thuộc địa phận thôn Lạc Mỹ (xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa). Ông Võ Trung (55 tuổi) điều khiển mô tô 78H2-2381 chở bà Trương Thị Minh Tính (50 tuổi) và cháu Võ Tấn Hoàng Phú (6 tuổi), cùng trú thôn Đồng Phú, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, lưu hành theo hướng Tây Hòa - Sông Hinh đã gây tai nạn với mô tô 78F9-4906, do Trần Văn Lĩnh (19 tuổi, trú thôn Tân Mỹ, xã Hòa Phú) điều khiển đi ngược chiều. Hậu quả, bà Tính và cháu Phú chết tại chỗ, ông Trung và Lĩnh bị thương nặng.
Trước đó, lúc 19g ngày 17/12/2010 trên QL 25, đoạn qua thôn Ngân Điền (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vào thời điểm trên, Mai Vĩnh Hoàng (SN 1995, trú thôn Tân Phú, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa) điều khiển mô tô 78S1-1063, lưu hành theo hướng tây - đông và tông nhau với ô tô 57K-9222 do anh Nguyễn Thanh Tâm (SN 1986, trú thôn Suối Cau, xã Sơn Hà) điều khiển, lưu hành ngược chiều. Vụ tai nạn làm Hoàng chết tại chỗ. Theo nhận định ban đầu của cơ quan điều tra, nguyên nhân tai nạn là do Mai Vĩnh Hoàng điều khiển phương tiện vi phạm phía đi. Tiếp đó, lúc 22g30 cùng ngày, tại ngã ba Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Văn Linh (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) cũng đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông làm chết người. Mô tô 78H2-6616 do Nguyễn Minh Trực (SN 1992, trú thôn Lộc Đông, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa) điều khiển, chở Lê Xuân Vinh (SN 1991, trú phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) lưu hành theo hướng bắc - nam, khi đến địa điểm trên tông vào dải phân cách tự gây tai nạn. Hậu quả, cả hai bị thương nặng, sau đó Trực chết trên đường đi cấp cứu.
Hay vào lúc 17 giờ ngày 31/10/2010, tại đường liên xã Hòa Trị đi Hòa Kiến thuộc thôn Phụng Tường 2, xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 3 học sinh lớp 11 của Trường THPT Trần Suyền tử nạn. Đó là các em Mai Văn Thông, Lê Thị Thanh Thúy và Lê Văn Hiếu, đều sinh năm 1994. Vào thời điểm trên, Mai Văn Thông điều khiển mô tô mang biển số 78 H6 - 0384 chở em Thúy và Hiếu chạy từ xã Hòa Kiến về Hòa Trị. Khi đến trước nhà ông Huỳnh Văn An, do chạy quá tốc độ lại vào cua nên mô tô tông vào hàng rào nhà dân làm cả ba chết tại chỗ.
ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP?
Các tuyến tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn đi qua nhiều thị trấn, thị tứ, khu dân cư trong tỉnh, vốn có nhiều đường ngang dân sinh, nhiều cơ quan, trường học và nhà dân. Mật độ người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường này cũng ngày càng đông đúc. Trong khi đó, mặt đường dù đã được nâng cấp, đổ bê tông xi măng hay thảm nhựa, nhưng việc bù vênh giữa mặt đường và lề đường chưa khắc phục được. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường chỉ đủ một làn ô tô chạy, các phương tiện khác, kể cả xe máy, phải “dạt” vào lề để “né”. Chính vì thế, nếu người điều khiển phương tiện chủ quan, không làm chủ tốc độ, tay lái, ắt hẳn sẽ phải trả giá đắt.
Đó là lý do vì sao lỗi vi phạm không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát, đi không đúng phần đường và tránh vượt sai quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông lại thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, trên một số tuyến đường nội thành Tuy Hòa, đường liên xã, liên thôn thường xuyên xảy ra tình trạng người điều khiển mô tô, xe máy chở 3,4 người không đội mũ bảo hiểm, chạy lạng lách, đánh võng, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Theo thống kê của Ban an toàn giao thông tỉnh, trong năm 2010, các lực lượng tuần tra kiểm soát đã tiến hành xử phạt 5.187 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy…
Ở khía cạnh khác, tại vùng nông thôn, việc giỗ chạp, đám tiệc thường được tổ chức nên có một số người dự tiệc “quá chén”. Khi đã lâng lâng hơi men, mắt không còn tinh, tay không điều khiển được tay lái thì việc gây ra TNGT là không tránh khỏi. Vì thế, bia rượu chiếm 15% trong số các nguyên nhân gây ra số vụ TNGT nói trên.
Một nguyên nhân khác là trên các tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn thường ít có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Các tuyến đường này khá dày, trong khi lực lượng chức năng mỏng, nên dù tăng cường cả công an xã tham gia cũng không kham xuể công việc.
Để hạn chế TNGT, người dân nông thôn khi điều khiển mô tô, xe máy trên bất kỳ tuyến đường nào cũng đội mũ bảo hiểm, cần chú ý quan sát, tuyệt đối không phóng nhanh, kiên quyết nói không với tệ say xỉn rượu, bia. Song song đó, để đảm bảo tốt tình hình trật tự, an toàn giao thông trong thời gian đến, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão, Công an tỉnh Phú Yên cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông, tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, đồng thời triển khai các đợt cao điểm, tuần tra xử lý nghiêm các trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy...
VĂN TÀI