Năm 2010, ngành TAND Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực, với kết quả xét xử, giải quyết các loại án đều đạt và vượt chỉ tiêu, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về những kết quả đạt được và những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011, đồng chí Lê Văn Phước, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh Phú Yên, cho biết:
Chánh án TAND tỉnh Phú Yên Lê Văn Phước - Ảnh: T.A |
Trong mười năm trở lại đây, tính bình quân, mỗi năm số lượng án toàn ngành phải thụ lý, giải quyết tăng từ 4-10%, tính chất các vụ án ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Song cán bộ công chức ngành TAND tỉnh Phú Yên đã có nhiều cố gắng khắc phục mọi khó khăn để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác xét xử và các mặt công tác khác, đồng thời tích cực phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, chọn và xét xử các vụ án trọng điểm, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương.
Riêng năm 2010, toàn ngành thụ lý 2.875 vụ, việc, giải quyết xét xử 2.723 vụ, việc, đạt tỉ lệ gần 95%. So với năm 2009, số lượng án thụ lý tăng 356 vụ, việc. Đặc biệt, tính chất các vụ án ngày càng phức tạp, nhất là trong lĩnh vực tranh chấp đất đai, tranh chấp hợp đồng vay tài sản, chia thừa kế… Án bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán 53 vụ, chiếm tỉ lệ gần 2%; án bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán 44 vụ, chiếm tỉ lệ gần 2%, thấp hơn quy định của TAND tối cao, góp phần xét xử án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan người không có tội. Bên cạnh việc xét xử tại trụ sở, TAND tỉnh còn tích cực tổ chức xét xử lưu động tại nơi xảy ra vụ án nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. TAND các cấp khi thực hiện thẩm quyền xét xử mới theo Nghị quyết của Quốc hội đã có nhiều cố gắng, đảm đương được trọng trách của mình, xét xử kịp thời, đúng pháp luật… Đặc biệt, trong năm 2010, Ban cán sự và lãnh đạo TAND tỉnh còn chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra giám đốc án đối với TAND cấp huyện, thị xã, thành phố để kịp thời phát hiện những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục hoặc đường lối xét xử, trên cơ sở đó kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất trong toàn ngành.
* Giải pháp nào để khắc phục tình trạng bản án, bị hủy hoặc cải sửa do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử, thưa đồng chí?
- Nguyên nhân khách quan là do số lượng án toàn ngành thụ lý và giải quyết tăng. Nhiều vụ án tranh chấp ngày càng phức tạp, nhưng đương sự không cung cấp chứng cứ theo quy định của pháp luật hoặc không có mặt theo giấy triệu tập của tòa, dẫn đến việc xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án gặp nhiều khó khăn. Về nguyên nhân chủ quan, án bị hủy hoặc cải sửa nghiêm trọng là do Hội đồng xét xử đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, năng lực xét xử hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của công cuộc cải cách tư pháp. Vì vậy, giải pháp để khắc phục tình trạng này là đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, công chức toàn ngành gắn với việc thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo phương châm “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” và “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”… Song song đó, chú trọng đề cao trách nhiệm đối với từng chức danh tư pháp, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những thẩm phán có án bị hủy hoặc cải sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan. Nếu thẩm phán nào không sửa chữa và có tỉ lệ án bị hủy, sửa vượt quá quy định của TAND tối cao thì không bố trí và xử lý trách nhiệm theo quy định của ngành.
* Trong năm 2011, ngành sẽ làm gì để hoàn thành tốt sứ mệnh giữ cán cân công lý, thưa đồng chí?
- Thời gian đến, ngành TAND tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động để thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp theo phương châm “Tòa án là trung tâm, hoạt động xét xử là trọng tâm”. Trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách tư pháp trong ngành, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ án, nhất là tăng cường xét xử lưu động… Phấn đấu đến hết năm 2011, sẽ giải quyết và xét xử án hình sự đạt từ 95% trở lên; án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại từ 90% trở lên, hành chính từ 87% trở lên. Qua đó, kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo về tư pháp, không để xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài hoặc khiếu kiện phức tạp, bảo đảm an ninh trật tự, nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
LỆ VĂN (thực hiện)