Toàn tỉnh hiện có 13 bến đò ngang, tất cả đều hình thành tự phát, không tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhiều phương tiện hành nghề vận tải khách chưa được đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển chưa có chứng chỉ chuyên môn. Đây chính là những nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Một bến đò ngang ở huyện Sơn Hòa. - Ảnh: HOÀI TRUNG
NHỮNG BẾN ĐÒ TỰ PHÁT
Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải, toàn tỉnh hiện có 13 bến đò ngang, trong đó nhiều nhất là các huyện Tuy An và Tây Hòa, mỗi huyện có 3 bến đò. Tất cả các bến đò đều hình thành tự phát, theo kiểu ở đâu người dân có nhu cầu qua lại trên sông thì ở đó có bến đò. Bến thường chỉ là những vực sông có đường ra vào với vài cây to cho bóng mát để khách ngồi chờ và một chỗ để khách lên xuống đò. Những bến đò này đã có từ rất lâu, chính quyền các địa phương đều biết nhưng gần như không quan tâm đầu tư, thỉnh thoảng cũng có kiểm tra, nhắc nhở nhưng không đến nơi đến chốn. Vì vậy, tất cả các bến đò ngang trong tỉnh đều rất sơ sài, tạm bợ. Theo quy chế quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải, bến khách ngang sông phải đảm bảo 5 điều kiện hoạt động, trong đó phải có cầu cho người cùng phương tiện giao thông đường bộ lên xuống an toàn, thuận tiện; có trang thiết bị cho phương tiện buộc neo, có đèn chiếu sáng nếu hoạt động ban đêm, có nhà chờ, bảng nội quy, niêm yết giá vé và lắp đặt biển báo hiệu đường thủy nội địa. Những điều kiện tưởng chừng rất đơn giản nhưng tất cả các bến đò của tỉnh đều không đáp ứng được, mặc dù qua nhiều lần kiểm tra, các cơ quan chức năng của tỉnh liên tục nhắc nhở. Mới đây, đoàn công tác liên ngành Giao thông và Công an tỉnh đã đình chỉ hoạt động của 13 bến đò, đồng thời yêu cầu chủ phương tiện cùng chính quyền địa phương liên hệ Sở Giao thông - Vận tải làm thủ tục mở bến.
PHƯƠNG TIỆN KHÔNG ĐĂNG KIỂM, NGƯỜI LÁI CHƯA CÓ BẰNG
Kết quả kiểm tra cho biết, tại 13 bến đò ngang của tỉnh có 71 phương tiện đang hoạt động nhưng có đến 44 phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, tập trung tại các huyện Tuy An, Phú Hòa, Đông Hòa. Trong số 23 phương tiện đã đăng ký chỉ có 17 phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, 5 phương tiện chưa đạt gồm PY0026 của ông Nguyễn Phùng, PY0027 của ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã An Cư, huyện Tuy An. PY0051 của ông Phan Văn Thiết ở xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, PY0034 của UBND xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa), PY0013 của ông Nguyễn Hữu Trí ở xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa cùng 1 đò thô sơ phải đăng ký nhưng không cần đăng kiểm. Theo Sở Giao thông - Vận tải, các phương tiện chưa đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật cần phải được đầu tư sửa chữa nhiều mới có thể đăng kiểm lại, nhưng hầu hết các chủ phương tiện có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập từ nghề chở khách sang sông hoặc một số nghề khác ngày một giảm sút, chi phí không đủ bù đắp với số tiền bỏ ra sửa chữa phương tiện nên họ dây dưa, kéo dài việc đăng kiểm phương tiện.
Cũng theo Sở Giao thông - Vận tải có đến 12 người điều khiển các phương tiện đã được kiểm tra, quản lý chưa có chứng chỉ chuyên môn. Ngoài ra, những người điều khiển 44 phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm phần lớn hành nghề theo kiểu cha truyền con nối hoặc lâu dần mà quen, cũng không thể kiểm soát được bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của họ. Đây chính là điều làm đau đầu các cơ quan chức năng của tỉnh.
TIỀM ẨN NHỮNG NGUY CƠ MẤT AN TOÀN GIAO THÔNG
Việc tất cả các bến đò ngang của tỉnh bị đình chỉ hoạt động cùng nhiều phương tiện, người điều khiển chưa đáp ứng đủ theo các quy định của pháp luật một lần nữa cảnh báo những nguy cơ mất an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Mặc dù từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa nào nhưng điều đó không có nghĩa là các chuyến đò ngang đưa người sang các con sông trong tỉnh hẳn đã an toàn. Tại các bến sông, hiện nay vẫn có nhiều con đò qua lại chở đầy ắp người, trong đó có nhiều học sinh, phụ nữ, người già…, bất chấp nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão. Nhiều phương tiện không có áo phao, dụng cụ cứu sinh chỉ là một vài can nhựa, vỏ lốp xe cũ… Một số chủ đò có trang bị áo phao nhưng ít khi dùng vì cả người điều khiển phương tiện lẫn chủ đò đều chủ quan, coi thường tính mạng của mình và hành khách.
Ông Đặng Ngọc Vân, Phó Phòng Quản lý Sở Giao thông - Vận tải Phú Yên cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục siết chặt công tác quản lý hoạt động của các phương tiện giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc đình chỉ hoạt động của 13 bến đò ngang, những người chưa có chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện sẽ được Sở Giao thông - Vận tải mở lớp đào tạo, cấp chứng chỉ. Những phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm cũng phải tạm ngưng hoạt động. Ngoài thường xuyên kiểm tra, thì vai trò giám sát, xử lý các trường hợp chủ phương tiện cố tình vi phạm của các địa phương rất quan trọng. Nếu các xã có bến đò ngang lơ là vấn đề này thì tai nạn giao thông đường thủy có thể xảy ra và hậu quả rất khó lường.
HOÀI TRUNG