Cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật của văn bản, sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức.
Việc kiểm tra văn bản được tiến hành đúng quy trình, công khai, minh bạch - Ảnh minh họa: chinhphu.vn
Quy định trên được thể hiện rõ tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật vừa được Chính phủ ban hành. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2010, bãi bỏ Nghị định 135/2003/NĐ-CP đã ban hành ngày 14/11/2003.
Quy định rõ hơn về đối tượng và phạm vi điều chỉnh
Trước đây, tại Nghị định 135 quy định chung về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND các cấp ban hành, văn bản liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và văn bản liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ với tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xă hội.
Nay, Điều 1 của nghị định mới đã quy định rõ ràng, đầy đủ các loại văn bản được kiểm tra, xử lý theo quy định gồm: Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Thông tư liên tịch giữa các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Thông tư liên tịch giữa bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Nghị quyết của HĐND, Quyết định, Chỉ thị của UBND.
Loại văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật; văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có thể thức và nội dung như văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người không có thẩm quyền tại bộ, ngành và địa phương ban hành cũng được kiểm tra, xử lý theo quy định của nghị định mới. Đây là điểm mới trong Điều khoản quy định đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Nghị định mới so với Nghị định 135 trước đây.
Đối với loại văn bản nói trên được cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản tiến hành kiểm tra khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cơ quan tổ chức, cá nhân và của các cơ quan thông tin đại chúng.
Nhiều hình thức công khai việc xử lý văn bản trái pháp luật
Tại Nghị định 135, quyết định của các cơ quan, người có thẩm quyền xử lý văn bản quy định về việc bãi bỏ, hủy bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản trái pháp luật phải được đăng Công báo hoặc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương; Nghị quyết của HĐND, quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện về việc xử lý văn bản trái pháp luật phải được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
Đối với nghị định mới, kết quả xử lý văn bản trái luật phải được công bố công khai, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và phải được đăng công báo, đăng trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành (đối với văn bản do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cấp tỉnh ban hành) hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan ban hành hoặc các địa điểm khác do Chủ tịch UBND cấp huyện, xã quyết định chậm nhất sau 3 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định xử lý.
2 hình thức xử lý văn bản trái pháp luật
Khác với Nghị định số 135, nghị định mới đã dành riêng Điều 27 quy định rõ 2 hình thức xử lý văn bản trái pháp luật, bao gồm: Đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản; hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản.
Bên cạnh đó, nghị định cũng có điều khoản riêng về đính chính văn bản, đây cũng là điểm khác biệt với Nghị định cũ. Cụ thể, trong quá trình kiểm tra phát hiện văn bản chỉ sai về căn cứ pháp lý được viện dẫn, thể thức, kỹ thuật trình bày còn nội dung của văn bản phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp thì đính chính đối với những sai sót đó.
Cán bộ tham mưu soạn thảo văn bản trái luật bị xem xét hình thức kỷ luật
Điểm mới đáng chú ý của nghị định này là quy định rõ việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật. Tại Điều 34 của Nghị định nêu rõ: Việc xem xét, xử lý căn cứ vào nội dung, tính chất mức độ trái pháp luật của văn bản và hậu quả của nội dung trái pháp luật gây ra đối với xã hội và trên cơ sở tính chất, mức độ lỗi của cơ quan, người đã ban hành, tham mưu ban hành văn bản đó.
Cụ thể, cơ quan ban hành văn bản đó phải tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể và và báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Đồng thời, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật.
Cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức.
Theo chinhphu.vn