Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Mục tiêu tổng quát của đề án này là đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng mà trọng tâm là bảo đảm việc phán quyết của tòa án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật, góp phần bảo đảm công lý, công bằng xã hội, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp bảo đảm đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân ngoài hoạt động tố tụng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
NHIỀU QUY ĐỊNH CHƯA ĐI VÀO CUỘC SỐNG
Tại cuộc họp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh về việc cải cách tư pháp mới đây, lãnh đạo ngành Tư pháp Phú Yên nhìn nhận: Trong thời gian gần đây, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp còn dừng lại ở mức độ nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp. Điều này thể hiện qua việc trưng cầu giám định chưa đảm bảo đúng quy trình, chất lượng kết luận giám định tư pháp trong một số trường hợp chưa đảm bảo. Đó còn là chưa kể đến việc giám định do không được thực hiện theo quy trình, quy chuẩn thống nhất nên nảy sinh tình trạng kết quả mỗi nơi một khác, các kết luận giám định mâu thuẫn nhau. Đặc biệt, các tổ chức giám định và giám định viên ít có cơ hội tham gia phiên tòa để trình bày, bảo vệ kết luận giám định của mình. Điều này gây ra sự thiếu tương thích với yêu cầu nâng cao dân chủ và tranh tụng trong điều kiện cải cách tư pháp... Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thi hành pháp lệnh vẫn chưa được ban hành đầy đủ, dẫn đến nhiều quy định chưa thực sự đi vào cuộc sống. Cho đến nay, hầu hết các lĩnh vực vẫn chưa ban hành được quy trình, quy chuẩn chuyên môn về giám định tư pháp...
Nguyên nhân của những bất cập này chủ yếu nằm ở việc hệ thống văn bản pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và giám định tư pháp chưa đạt được sự đồng bộ, liên thông cần thiết.
NHỮNG NÚT THẮT CẦN THÁO GỠ
Theo đề án, phấn đấu đến năm 2015, đội ngũ giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, có kiến thức pháp lý cần thiết để phục vụ đắc lực hoạt động tố tụng trước yêu cầu ngày càng cao của cải cách tư pháp. Đồng thời, đề án đã chỉ ra vấn đề không những phải đổi mới hoạt động trưng cầu, yêu cầu và thực hiện giám định mà còn đổi mới cả hoạt động đánh giá kết luận giám định. Mặt khác, mục tiêu đổi mới hoạt động trưng cầu, yêu cầu và thực hiện giám định, hoạt động đánh giá kết luận giám định còn phải được thực hiện thông qua tư duy và hoạt động xây dựng, thực thi cơ chế “cung cấp dịch vụ chuyên môn” của các tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn phục vụ bình đẳng cho các bên tố tụng, đáp ứng nhu cầu giám định ngoài tố tụng của tổ chức, cá nhân trong xã hội phục vụ các giao dịch dân sự, kinh tế. Đề án cũng nhấn mạnh tiếp tục phát triển, hoàn thiện tổ chức giám định kỹ thuật hình sự ở trung ương; đầu tư phát triển cơ sở giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự trọng điểm theo khu vực, vùng miền; củng cố và phát triển các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự ở cấp tỉnh; huy động, thu hút các cơ quan, tổ chức chuyên môn có năng lực, điều kiện ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là ở các lĩnh vực văn hóa, tài chính - kế toán, xây dựng, môi trường, khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông và các lĩnh vực khác tham gia hoạt động giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng.
Đề án “Đổi mới và nâng cao hoạt động giám định tư pháp” là đề án mang tính tổng quát, đưa ra các định hướng lớn cho việc đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp, liên quan đến các địa phương với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, phức tạp và được thực hiện trong nhiều giai đoạn. Trong đó, năm 2010 là năm triển khai khối lượng công việc lớn, đặt nền tảng cho các nhiệm vụ giải pháp được thực hiện trong những năm tiếp theo.
KIM CHI