Thứ Năm, 28/11/2024 04:28 SA
Sơn Long (Sơn Hòa):
Lộ diện những sai phạm của một số cán bộ lãnh đạo xã
Thứ Bảy, 27/03/2010 16:22 CH

Biến đất công thành đất tư, phá rừng cấm nhận khoanh nuôi, bảo vệ để trồng mía, nợ tiền quán cấn trừ bằng một lô đất ở... Đó là những nội dung trong đơn tố cáo của người dân xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) gởi các ngành chức năng phản ảnh một số cán bộ xã này làm nhiều việc trái pháp luật.

 

rung-cam.gif

Khu vực rừng bị phá để trồng mía  - Ảnh: L.TRÂM

 

THÔNG ĐỒNG TRONG GIAO ĐẤT        

 

Ông Cao Minh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết, huyện đã thành lập đoàn công tác do Chánh Thanh tra nhà nước huyện làm trưởng đoàn đang tiến hành điều tra, xác minh rõ vụ việc theo nội dung đơn tố cáo của người dân đối với một số cán bộ lãnh đạo xã Sơn Long để xử lý nghiêm minh.

Năm 1995, Lâm trường Sơn Hòa (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa) được giao 37ha đất tại khu vực Bằng Cây Da Lớn, thôn Suối Phèn (xã Sơn Long) để khai hoang trồng các loại cây lâm nghiệp như cà te, dầu, bạch đàn. Tuy nhiên, sau khi trồng, do không được chăm sóc, người dân địa phương thả bò giậm phá, cây không phát triển nên dự án không phát huy hiệu quả. Năm 2003, sau khi có dự án đa dạng hóa nông nghiệp, Lâm trường Sơn Hòa đã bàn giao toàn bộ số diện tích trên cho UBND xã Sơn Long quản lý để giao lại nhân dân trồng cao su tiểu điền. Ba hộ dân được xã chọn giao 20,7ha gồm hộ ông Nguyễn Lâm Tăng (10ha), Lê Thị Yến (8ha) và Võ Thị Vương (2ha), còn lại 1ha xã quy hoạch làm nghĩa trang thôn Suối Phèn và 5,3ha dân lấn chiếm trồng cây.

 

Vào thời điểm giao đất cho các hộ dân trồng cao su tiểu điền, ông Đinh Văn Hoàng làm Chủ tịch UBND xã Sơn Long. Năm 2004, ông Hoàng chuyển công tác khác; ông Trần Văn Tám làm Chủ tịch UBND xã Sơn Long thay ông Hoàng (ông Tám hiện đã nghỉ, không làm Chủ tịch UBND xã Sơn Long nữa – PV). Vừa nhậm chức, ông Tám nhận thấy có việc không rõ ràng trong giao đất lâm trường cho các hộ dân trồng cao su tiểu điền, nên đã tổ chức thành lập đoàn kiểm tra để xác minh vụ việc. Ông Trần Văn Tám nhớ lại: “Khi tiến hành kiểm tra và xác minh vụ việc, chúng tôi phát hiện hộ ông Nguyễn Lâm Tăng được giao 10ha đất, trong khi ông này quê ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), thời điểm giao đất không có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Riêng hộ bà Lê Thị Kim Yến, trong giấy tờ nhận 8ha. Nhưng khi xã mời đến làm việc thì bà không hay biết gì về số diện tích đất này”. Xác minh thêm vụ việc, phóng viên Báo Phú Yên nhận thấy trong biên bản làm việc của UBND xã Sơn Long hiện vẫn còn lưu, bà Yến nêu không hề biết mình có tên trong sổ nhận đất trồng cao su tiểu điền và bà không hề đi đăng ký.

 

Đoàn kiểm tra xã Xuân Long khi đó tiếp tục làm việc với ông Nguyễn Ngọc Anh (chồng bà Yến). Theo biên bản làm việc đang được lưu trữ tại UBND xã Sơn Long, ông Anh trình bày: “Bà Trần Thị Điệp, hiện ở tại thôn Suối Phèn nói đã nhận đất trồng cao su nhiều rồi, nếu đứng tên nhận trồng thêm nữa thì vi phạm Luật Đất đai và sợ bà con không đồng tình, nên bà Điệp nhờ tôi làm các thủ tục nhận đất trồng cây cao su, sau đó chuyển lại cho bà để hợp thức hóa 8ha đất. Hiện tại tôi không dính dáng gì đến số diện tích này”. Nhiều người dân ở đây cho biết, trong số 20,7ha đất trồng cao su tại khu vực Bằng Cây Da Lớn, ngoài 2ha của bà Võ Thị Vương (vợ nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đinh Văn Hoàng), còn lại bà Điệp “ẵm” hết. Bà Điệp là người ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) lên đây làm ăn. Ông Trần Văn Tám cho biết, những phản ảnh của người dân là có cơ sở vì ông Nguyễn Lâm Tăng lúc đó là người lái máy cày thuê cho bà Điệp và bà Điệp nhờ đứng tên để nhận đất. Đến đây dư luận đặt câu hỏi, phải chăng có sự thông đồng giữa bà Điệp và ông Hoàng lúc đương nhiệm Chủ tịch UBND xã trong việc giao đất? 

 

Trong bản giải trình của ông Đinh Văn Hoàng, hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Long, việc giao đất lâm trường cho người dân trồng cao su tiểu điền căn cứ vào danh sách những hộ đăng ký và UBND xã tiến hành xét đề nghị cấp trên để giao đất. Điều này trái ngược với ý kiến của bà Yến như đã nêu trên.

 

PHÁ RỪNG ĐỂ TRỒNG MÍA

 

Ông Đinh Văn Hoàng được UBND huyện Sơn Hòa cấp giấy quyền sử dụng đất 18,6ha tại rừng Lớn thuộc địa phận thôn Trung Trinh (xã Sơn Long) để khoanh nuôi, bảo vệ rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ. Thế nhưng ông Hoàng và con cháu của ông đã phát dọn rừng cấm để trồng mía.

 

Ông Cao Văn Tiến, một cán bộ hưu trí ở  thôn Trung Trinh cho biết, từ năm 1970 nơi đây là căn cứ của Tỉnh ủy (ông Tiến là người bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy). Sau năm 1975, Tỉnh ủy giới thiệu một đoàn công tác gồm nhà báo, nhà quay phim lên khu vực rừng Lớn quay phim tài liệu, chính ông Tiến là người trực tiếp dẫn đoàn đến hiện trường để các nhà làm phim, nhà báo tác nghiệp. Địa phương lúc đó rất quan tâm bảo vệ diện tích rừng này, vì đây là vừa bảo vệ di tích vừa bảo vệ nguồn giữ nước cho khu vực ruộng lúa gần đó. Sau này có chủ trương giao nhận khoán đất rừng, ông Hoàng lập thủ tục quản lý khoanh nuôi, bảo vệ và được cấp trên phê duyệt.

 

Tuy vậy, hiện nay, gần phân nửa, trong tổng số 18,6ha rừng khu vực rừng Lớn giáp ranh với bến Lậu mà ông Hoàng nhận khoanh nuôi, bảo vệ đã bị phá để trồng mía. Khu vực khai hoang trồng mía khá bằng phẳng, mía đứng ken dày bao quanh những gốc cây to. Trong bản giải trình của ông Hoàng, việc nhận khoanh nuôi, bảo vệ 18,6ha rừng, gia đình ông rất có trách nhiệm. Thời gian trước, gia đình ông phát hiện hai hộ là Nguyễn Văn Tân và Nguyễn Văn Hiền hàng năm có lấn chiếm đất rừng của gia đình ông quản lý và đã báo cáo UBND xã, xã mời lên giải quyết. Tuy nhiên, người dân ở đây cho biết, ông Hiền và ông Tân là cháu gọi ông Hoàng bằng cậu. Chính những người này đã ra tay triệt hạ những cánh rừng già, rừng cấm trong đó gia đình ông Hoàng, để trồng mía.

 

Bà Hồ Thị Chín (63 tuổi) ở thôn Trung Trinh cho hay: Người ta phá rừng già trồng mía thấy mà nóng mặt. Trong hai năm 2008 và 2009, nhiều người dân ở đây chứng kiến những người cháu của ông Hoàng vẫn còn tiếp tục khai hoang đất rừng tại khu vực này để trồng mía.

 

cho.gif

Nhà trái phép “bao vây” khu chợ cũ - Ảnh: L.TRÂM

 

TRỪ TIỀN NỢ QUÁN BẰNG... MỘT LÔ ĐẤT

 

Năm 2000, ông Nguyễn Văn Quang, ở thôn Trung Trinh đến UBND xã Sơn Long làm thủ tục thuê mặt bằng lô đất phía tây bưu điện văn hóa xã thuộc thôn Phong Hậu để xây quán và được UBND xã đồng ý cho thuê với giá 100.000 đồng/tháng. Sau một thời gian buôn bán, cán bộ xã Sơn Long đến quán tiếp khách, trong đó có tiền nhậu nợ của một số cá nhân gần 9 triệu đồng (số tiền này được xác định đến đầu năm 2004). Vì bị nợ nhiều nên cứ đến ngày cán bộ xã nhận lương thì ông Quang mang sổ nợ đến xã ngồi… lì để thu nợ. Thấy vậy, Chủ tịch UBND xã Sơn Long Trần Văn Tám mời ông Quang vào làm việc. Ông Quang phân tích từng khoản nợ, nợ tập thể (tiếp khách) trên 4 triệu đồng, nợ các cá nhân trên 4 triệu đồng (các cá nhân cũng đã được xác định được danh tánh). Trước khoản nợ quá lớn (vào thời điểm đó), ông Tám mang công nợ “trình” ban chấp hành Đảng ủy, phần tập thể ông Tám… giải quyết qua các chứng từ; riêng phần cá nhân, ông yêu cầu ai nợ phải tự trả. Tuy nhiên, cá nhân nợ quán không trả mà ngược lại làm cho nội bộ xã xảy ra lục đục. Ông Tám giải bày: Khi chốt số nợ tập thể, phần nợ cá nhân riêng ông Hoàng trên 700.000 đồng (năm 2004). Ông Hoàng (Bí thư Đảng ủy) bảo ông Tám, làm chủ tài khoản mà chỉ bao nhiêu đó không biết tìm nguồn “giải” hay sao? “Lúc đó giải quyết các khoản nợ cá nhân thì Luật Ngân sách không cho phép, mà không giải quyết thì có người bằng mặt không bằng lòng”, ông Tám nói.

 

Về lý do lô đất phía tây bưu điện văn hóa bán cho ông Quang, ông Tám giải thích: Một phần vì thấy số tiền nợ quán quá lâu chưa thanh toán được, một phần nhận thấy nguyện vọng ông Quang có ý định cất nhà lâu dài trên lô đất đang thuê để buôn bán chứ không phải kinh doanh bất động sản, nên xã tiến hành thành lập hội đồng đấu giá bán lô đất này cho ông Quang. Lúc đầu có người đứng ra đấu giá lô đất đó 6 triệu đồng, tuy nhiên khi bán lại cho ông Quang chỉ 4 triệu đồng, bằng với số tiền các cá nhân nợ quán. Lý giải vấn đề này ông Tám cho biết: Số tiền nợ quán quá lâu, nếu tính theo lãi suất ngân hàng thì số tiền trên tương đương số tiền đấu giá lô đất đó lúc ban đầu. Ông Tám thừa nhận việc bán đất trừ nợ quán này chỉ “trừ ngang, cấn dọc”, không có giấy tờ thu chi nên không nhập vào ngân sách xã.

 

XÂY DỰNG NHÀ TRÁI PHÉP

 

Tại thôn Phong Hậu, khu vực chợ cũ (gần bưu điện văn hóa xã Sơn Long) tình trạng người dân ở các nơi khác đến chiếm đất xây dựng nhà trái phép diễn ra tràn lan. Hiện tại khu vực chợ cũ có nhiều ngôi nhà xây dựng trái phép bao vây chợ, tuy nhiên chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp ngăn chặn, vì vậy đất chợ thành đất của riêng cá nhân. Những hộ đang xây dựng nhà trái phép không phân biệt người dân do địa phương quản lý hay người từ các nơi khác đến, miễn sao có “thân thế” với lãnh đạo xã thì được xây nhà kiên cố… Trong số gần 80 ngôi nhà xây trái phép, có những ngôi nhà của cán bộ xã. Xuất phát từ việc này, người dân ở đây cho rằng UBND xã Sơn Long khó mà ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng xây dựng nhà trái phép tại khu vực chợ cũ.

 

Theo UBND xã Sơn Long, hiện tại khu vực chợ cũ xã đã có tờ trình xin huyện phê duyệt chuyển đổi thành đất khu dân cư. Nhưng trong lúc huyện chưa phê duyệt thì nhà ở kiên cố đã mọc lên. Tại thời điểm chúng tôi có mặt tại xã Sơn Long, khu chợ mới xây dựng chưa xong thì đất khu vực chợ cũ đã biến thành đất tư gần hết.

 

 

PHI CÔNG - LÊ TRÂM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hai “ông Tây” móc túi người bán vé số
Thứ Bảy, 27/03/2010 07:15 SA
Tuy An: Bắt quả tang hai vụ đánh bạc
Thứ Sáu, 26/03/2010 07:45 SA
Xe máy tông xe đạp, 1 người chết
Thứ Sáu, 26/03/2010 07:40 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek