Ngày 23/11/2009, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII đã biểu quyết thông qua Luật Dân quân tự vệ (DQTV). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010. Đây là văn bản pháp lý cao nhất về công tác DQTV, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Luật DQTV góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với công tác DQTV; cụ thể hóa một bước chủ trương, đường lối của Đảng về công tác quốc phòng nói chung, công tác DQTV nói riêng, thực hiện chủ trương tinh gọn lực lượng thường trực, tăng cường sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, tạo điều kiện hợp lý về tổ chức và bảo đảm xây dựng lực lượng DQTV “vững mạnh, rộng khắp”, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Luật DQTV bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với các luật đã được ban hành và Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (1992); kế thừa và phát triển những tinh hoa, truyền thống quý báu trong 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng DQTV; tiếp thu có chọn lọc những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công tác DQTV qua hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Nhất là, trên cơ sở tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh DQTV (pháp lệnh năm 1996 và pháp lệnh sửa đổi năm 2004) được tiến hành từ cấp xã đến cấp quân khu, bộ, ngành Trung ương; tổng kết thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 5/10/2002 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”. Đáng chú ý là, luật đã trực tiếp góp phần từng bước tháo gỡ những hạn chế, bất cập của công tác DQTV, nhất là về xây dựng lực lượng tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, DQTV biển; chế độ, chính sách đối với DQTV trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng XHCN hiện nay...
So với pháp lệnh, Luật DQTV không có sự khác biệt về mục tiêu, nội dung cơ bản, nhưng có sự phát triển mới về nội hàm, có tính pháp lý cao hơn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ở địa phương, cơ sở và phù hợp với thực tiễn. Luật đã kế thừa, tiếp thu các quy định hợp lý của Pháp lệnh DQTV, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư liên tịch, thông tư, các quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, của các bộ liên quan về quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể việc thi hành pháp lệnh đã được thực tiễn kiểm nghiệm và có tính ổn định; hạn chế việc quy định khung trong luật.
Sự đổi mới và phát triển của Luật DQTV được thể hiện ở mục đích, yêu cầu, bố cục, nội dung, đối tượng và phạm vi điều chỉnh, trong đó rõ nhất là ở bố cục chặt chẽ hơn và nội dung đầy đủ hơn. Luật DQTV gồm 9 chương, 66 điều (Pháp lệnh DQTV có 4 chương, 31 điều). Chương I bao gồm những quy định chung, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; vị trí, chức năng của lực lượng DQTV; giải thích từ ngữ; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của DQTV; quy định về tạm hoãn, miễn, thôi trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV nòng cốt trong thời bình và các hành vi bị nghiêm cấm. Đây là những quy định có tính nguyên tắc, chỉ đạo xuyên suốt đối với các quy định về tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, hoạt động và công tác bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng DQTV. Chương II quy định về tổ chức, quy mô tổ chức lực lượng DQTV, tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) cấp xã và Ban CHQS cơ quan, tổ chức; trang phục, sao mũ, phù hiệu và giấy chứng nhận của DQTV; nơi làm việc và trang thiết bị của Ban CHQS cấp xã; con dấu của Ban CHQS. Chương III và chương IV cụ thể hóa việc đào tạo cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã, trong đó có các nội dung về công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ DQTV; về tổ chức diễn tập, hội thi, hội thao; lập, phê chuẩn kế hoạch hoạt động; quy định các loại hình hoạt động sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo, hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vận động nhân dân và tham gia xây dựng cơ sở; các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, bảo vệ môi trường của lực lượng DQTV. Chương V quy định về chế độ, chính sách đối với DQTV khi được huy động làm nhiệm vụ; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong thời gian làm nhiệm vụ của tự vệ nòng cốt; chế độ, chính sách đối với DQTV biển; chế độ, chính sách đối với dân quân thường trực, DQTV bị ốm, bị tai nạn, bị chết, bị thương, hy sinh. Chương VI quy định về nhiệm vụ chi của Bộ Quốc phòng, của địa phương, cơ quan, tổ chức; công tác lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách, là cơ sở pháp lý để Bộ Quốc phòng, các địa phương, cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện chế độ, chính sách và công tác đảm bảo cho lực lượng DQTV. Chương VII quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về DQTV; Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về DQTV; trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, của UBND các cấp và của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Chương VIII quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm.
Có thể khẳng định, Luật DQTV là bước phát triển mới về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhà nước ta; tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của lực lượng DQTV- thành phần quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến tranh giải phóng trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
HOÀNG CHÂU SƠN