* Đàn khỉ chỉ còn 89 con vì 7 con đã chết trong quá trình nuôi
Chiều tối qua, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã và kỹ thuật bảo vệ rừng Sóc Sơn (TT CHĐVHD Sóc Sơn - TP Hà Nội) đã chính thức tiếp nhận 96 con khỉ đuôi dài (trong đó có 7 con đã chết) từ Chi cục Kiểm lâm Phú Yên và các cơ quan chức năng của TP Tuy Hòa và đưa về Hà Nội chăm sóc, nuôi dưỡng trước khi trả chúng lại tự nhiên.
Nhân viên của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã và kỹ thuật bảo vệ rừng Sóc Sơn tiêm thuốc khỏe cho một con khỉ đuôi dài - Ảnh: B.NHI
THỦ TỤC BÀN GIAO CHẬM
Sở dĩ đàn khỉ bị “hụt” 7 con, theo xác nhận của Hạt Kiểm lâm huyện Đông Hòa – đơn vị được giao nhiệm vụ theo dõi trong quá trình nuôi nhốt đàn khỉ này ở trang trại ông Lê Thanh Tuấn ở thôn 2 (xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) – là do chúng khác bầy đàn nên cắn nhau, dẫn đến chết. Sau hơn 2 ngày rưỡi chờ đợi, ngay trong tối qua, đoàn của TT CHĐVHD Sóc Sơn đã đến để tiêm thuốc khỏe cho đàn khỉ và đưa chúng lên xe chuyên dụng, chở về trung tâm tại Hà Nội cứu hộ, chăm sóc.
Trước đó, vào đầu giờ chiều ngày 19/1, UBND tỉnh Phú Yên có văn bản số 121/UBND-KT đồng ý cho phép Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên bàn giao số động vật rừng vận chuyển trái phép nói trên cho TT CHĐVHD Sóc Sơn ngay trong ngày 19/1.
Nguyên nhân chậm của việc giao - nhận đàn khỉ là do những rắc rối phát sinh trong thủ tục xử lý số tang vật vận chuyển trái phép trên ô tô này. Theo Nghị định 99/2009/NĐ-CP ngày 2/11/2009 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2010), hành vi vận chuyển động vật rừng thuộc nhóm IIB có giá trị từ trên 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng bị phạt vi phạm hành chính từ 50 đến 100 triệu đồng. Khung phạt này thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, Hội đồng Định giá tài sản tịch thu TP Tuy Hòa trong các ngày 4 và 8/1 vẫn định giá đàn khỉ trên hơn 31,3 triệu đồng và tiến hành các bước xử lý mà không chuyển lên cấp trên xử lý là vượt quá thẩm quyền. Ông Võ Ngọc An, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa, Chủ tịch Hội đồng Định giá tài sản tịch thu thành phố thừa nhận, vì Nghị định 99 quá mới nên hội đồng không nắm hết được những điều khoản trên, khi phát hiện có sơ sót thì đúng vào những ngày cuối tuần nên việc thực hiện thủ tục xin UBND tỉnh ra quyết định bị chậm, dẫn đến việc bàn giao đàn khỉ bị chậm theo.
ĐÀN KHỈ SẼ ĐƯỢC TRẢ LẠI TỰ NHIÊN
Trao đổi với Báo Phú Yên, ông Ngô Bá Oanh cho biết, TT CHĐVHD Sóc Sơn đã nhiều lần cứu hộ và sau đó trả về tự nhiên loài khỉ đuôi dài này. Ông Oanh nói: “Trước mắt, chúng tôi sẽ mang số khỉ này về trung tâm tại Hà Nội, tổ chức cứu hộ, nuôi dưỡng và thả chúng ra bán tự nhiên trước khi trả chúng về tự nhiên hoàn toàn. Quy trình này thường kéo dài trong khoảng 6 tháng, song tùy thể trạng, sức khỏe của đàn khỉ mà thời gian cứu hộ có thể ngắn hoặc dài hơn”. Cũng theo ông Oanh, do đây là loài động vật hoang dã ở núi rừng phía Nam, nên sau khi cứu hộ, TT CHĐVHD Sóc Sơn sẽ chở đàn khỉ trả về khu vực rừng ở Đông Nam Bộ.
* Rạng sáng 2/1, CSGT TP Tuy Hòa bắt một xe * Ngày 4/1, Hội đồng Định giá tài sản TP Tuy Hòa thống nhất bán đàn khỉ này cho ông Lê Thanh Tuấn với giá hơn 31,3 triệu đồng * Ngày 7/1, ông Tuấn làm đơn xin trả lại đàn khỉ * Ngày 8/1, Hội đồng Định giá tài sản TP Tuy Hòa họp lại và quyết định thu hồi đàn khỉ; hợp đồng để ông Tuấn nuôi dưỡng đến ngày 15/1, nếu không có đơn vị tiếp nhận sẽ thả chúng vào rừng. * Ngày 14/1, TT CHĐVHD Sóc Sơn xin tiếp nhận đàn khỉ và chịu mọi chi phí vận chuyển. Cùng ngày, UBND TP Tuy Hòa yêu cầu Hạt Kiểm lâm thành phố chuyển hồ sơ vụ việc lên UBND tỉnh xử lý theo đúng thẩm quyền. Hạt làm phụ lục hợp đồng đề nghị ông Tuấn tiếp tục nuôi đàn khỉ đến ngày 20/1. * Ngày 17/1, đoàn của TT CHĐVHD Sóc Sơn đến Phú Yên. * Chiều 19/1, UBND tỉnh ra thông báo đồng ý để TT CHĐVHD Sóc Sơn tiếp nhận 96 con khỉ.
QUỐC THANH