Thứ Hai, 30/09/2024 18:29 CH
Pháp luật về người tàn tật:
Chậm đi vào cuộc sống
Thứ Tư, 05/07/2006 08:27 SA

“Việc thực hiện pháp luật về người tàn tật trong thực tế cuộc sống ở nước ta vẫn còn đạt ở mức thấp”- đó là khẳng định của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội qua hoạt động giám sát, sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh người tàn tật.

 

060705-trao.jpg

Cần nhân rộng những điển hình về chăm sóc người tàn tật - Ảnh: K.C

Pháp lệnh người tàn tật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11-1998, nhưng đến ngày 10-7-1999, Chính phủ mới ban hành Nghị định quy định thi hành chi tiết một số điều của Pháp lệnh. Ngày 12-5-2000, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội mới ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định. Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh đã dẫn tới nhiều lúng túng trong việc triển khai của các địa phương… Đặc biệt, các quy định về việc khám, chữa bệnh miễn phí (điều 10- Pháp lệnh), người tàn tật, gia đình người tàn tật được cơ quan y tế hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng (điều 11- Pháp lệnh), Nhà nước, các cơ sở dạy nghề, tổ chức kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho người tàn tật được chọn nghề, học nghề (điều 18- Pháp lệnh); các cơ quan hành chính, sự nghiệp không được từ chối nhận người tàn tật vào làm việc khi họ có đủ tiêu chuẩn (điều 21- Pháp lệnh)… vẫn còn là một thách thức lớn và chậm đi vào cuộc sống.

 

Trong mấy năm qua, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các hội, đoàn thể ở Phú Yên đã có nhiều hoạt động giúp đỡ, cưu mang người tàn tật, đơn cử như Đoàn thanh niên xã An Phú (TP.Tuy Hoà) đã phân công ĐVTN thay phiên nhau chăm sóc, cơm nước sớm trưa cho bà Trần Thị Nghĩa, một người sống cô đơn, bại liệt toàn thân… Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã giúp người tàn tật trên nhiều lĩnh vực từ y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao đến cứu trợ, dạy nghề, tạo việc làm... động viên những đối tượng đặc biệt khó khăn không cam chịu số phận, khắc phục bệnh tật để vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn chưa được phục hồi chức năng lao động, tạo việc làm. Việc dạy nghề cho người tàn tật cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Theo kết quả điều tra, Phú Yên hiện có 13.545 người tàn tật, trong đó có 1997 người tâm thần, 1956 người bị mù, 5928 người tàn tật về vận động, 792 người bị điếc và hơn 2677 đối tượng tàn tật thuộc các dạng khác.

 

Trong số này, chỉ có rất ít người được học nghề và chủ yếu tập trung ở TP.Tuy Hoà, còn ở nông thôn hầu như chưa được tiếp cận nhiều với các lớp dạy nghề. Cơ sở dạy nghề ở các địa phương còn nhỏ lẻ, ngắn hạn, hiệu quả hạn chế. Ngoài ra, pháp luật về người tàn tật quy định các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi hình thức sở hữu phải nhận một tỷ lệ từ 2-3% người tàn tật vào làm việc hoặc phải đóng một khoản tiền theo quy định vào quỹ giải quyết việc làm cho người tàn tật. Nhưng, hầu hết các doanh nghiệp chưa “mặn mà” trong việc nhận người tàn tật vào làm việc với lý do như: Dây chuyền làm việc 7 giờ/ngày, 42 giờ/tuần không phù hợp với người tàn tật; Công nghệ đòi hỏi lao động có trình độ cao nên không thể tiếp nhận người tàn tật được. Các doanh nghiệp này cũng không thực hiện đóng góp tiền vào quỹ việc làm cho người tàn tật. Trái lại, có doanh nghiệp nhận lao động tàn tật vào làm việc thì không được sự trợ giúp từ phía Nhà nước, trong khi pháp luật quy định rõ: Chính phủ dành một phần ngân sách để trợ giúp người tàn tật phục hồi sức khoẻ, phục hồi chức năng lao động, học nghề tạo việc làm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật; hỗ trợ các doanh nghiệp nhận người tàn tật vào làm việc cao hơn tỷ lệ quy định. Ông Vũ Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Phú Yên cho biết: Với chủ trương xã hội hoá hoạt động bảo vệ và chăm sóc người tàn tật, trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện tốt một số chính sách, những biện pháp giúp đỡ, động viên khuyến khích để người tàn tật vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc giải quyết việc làm cho các đối tượng này vẫn đang là bài toán khó. Đặc biệt, khi mà hiện nay chưa có doanh nghiệp nào trong tỉnh nhận lao động là người tàn tật vào làm việc tại đơn vị mình. Để giải quyết vấn đề này, các địa phương đang tích cực hỗ trợ để người tàn tật được học các nghề như sửa chữa xe đạp, hớt tóc… ngay tại chỗ, hay những nghề mà các doanh nghiệp đòi hỏi, sau khi thành thạo có thể kiểm tra tay nghề và nhận vào làm.

 

Nhiều đại biểu Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội là nâng Pháp lệnh người tàn tật lên thành Luật để có căn cứ pháp lý cao hơn nhằm chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất cũng như tinh thần cho đối tượng này.

 

HOÀNG LÊ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek