Chi cục Thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật ra ngoài tỉnh và giấy chứng nhận vệ sinh thú y cho chủ bò xuất phát từ huyện Tây Hòa. Thế nhưng, ngay trong buổi sáng các loại giấy tờ đó được cấp, chủ bò đã đến huyện Tuy An là vùng đang được công bố dịch lở mồm long móng và đưa bò lên xe. Sai phạm này đã được lực lượng quản lý thị trường phát hiện, bắt giữ.
KHÔNG NHÌN THẤY BÒ VẪN CẤP GIẤY KIỂM DỊCH ĐỘNG VẬT, VỆ SINH THÚ Y!
Ông Đào Văn Lịch, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 thuộc Chi cục QLTT huyện Tuy An, cho biết: Giữa buổi sáng ngày 20-6, các cán bộ của đội đi kiểm tra và phát hiện trên Quốc lộ IA thuộc thôn Phú Mỹ, xã An Dân (huyện Tuy An), xe tải 78K – 2538 đang dừng để đưa một đàn bò 40 con lên xe. “Tuy An cùng với ba huyện khác là Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân đã được UBND tỉnh thông báo là vùng đang có dịch lở mồm long móng (LMLM) và nghiêm cấm các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc từ vùng này đến những vùng khác. Chính vì thế, chúng tôi đã quyết định đưa xe bò và những người có liên quan về trụ sở đội để phạt hành chính. Và điều ngạc nhiên là ông Bùi Kim Thành, chủ bò, sau đó đã đưa ra một số giấy tờ mà chúng tôi nhận định là cơ quan chức năng đã cấp khống, đã làm sai nguyên tắc” – ông Lịch nói.
Ông đội trưởng Đội QLTT số 4 cho chúng tôi xem bản sao “Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật” do Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên Nguyễn Minh Hòa và kiểm dịch viên động vật Đỗ Thị Minh Thảo ký ngày 20-6, có ghi 40 con bò của ông Bùi Kim Thành có điểm xuất phát từ huyện Tây Hòa đi Biên Hòa (Đồng Nai) để mổ thịt. Văn bản này xác nhận số động vật trên xuất phát từ vùng an toàn với các bệnh là Tây Hòa, đã được tiêm tụ huyết trùng lô 18, HD 9-06 và FMD OSTO 26, HD 8-06 trong tháng 3-2006; phương tiện vận chuyển là xe 78K – 2538 đã được khử trùng tiêu độc bằng HanIOdine nồng độ 1%. Ngoài ra, Cục Thú y Phú Yên cũng cấp cho ông Bùi Kim Thành một Giấy chứng nhận vệ sinh thú y cũng trong ngày 20-6, do ông Hòa và bà Thảo ký với nội dung ô tô vận chuyển có biển số như trên và 40 con bò đã hoàn thành thủ tục kiểm tra vệ sinh thú y; một biên lai thu phí 23.000 đồng tiền lệ phí kiểm dịch 40 con bò, tiêu độc, thủ tục giấy tờ...
Rõ ràng, việc chủ bò Bùi Kim Thành chỉ được cho phép vận chuyển bò từ vùng an toàn là huyện Tây Hòa nhưng lại đến Tuy An là vùng có dịch để tập kết, vận chuyển là vi phạm. Việc làm này của ông Thành đã bị QLTT xử phạt hành chính 3 triệu đồng và buộc phải xuống bò ở nơi xuất phát, không được vận chuyển ra khỏi vùng bị cấm vận chuyển. Thế nhưng, việc cấp các loại giấy tờ có liên quan đến việc vận chuyển này là... không bình thường. “Theo nguyên tắc, kiểm dịch viên phải đến tận nơi, nhìn thấy bò, khám rồi mới cấp giấy chứng nhận. Nếu không nhìn thấy bò, không nhìn thấy xe thì cơ sở đâu để làm giấy chứng nhận kiểm dịch, tiêu độc, sát trùng, chứng nhận tiêm phòng...? Hơn thế nữa, giấy này được cấp cùng ngày với buổi sáng mà chúng tôi phát hiện, bắt giữ xe bò này. Đây là một việc làm hết sức tắc trách, thiếu trách nhiệm của ngành Thú y” – ông Lịch bức xúc. Ông cũng cho biết thêm rằng: “Tuy không ghi vào biên bản, nhưng khi tôi hỏi ông Thành làm thế nào để có mấy thứ giấy tờ này, ông ta cho biết là nhờ tài xế xe lấy giùm. Chính vậy mà chữ ký của cùng một ông Bùi Kim Thành, nhưng ở Chi cục Thú y thì khác mà ở chỗ tôi (khi nộp phạt) thì khác!”
CHI CỤC TRƯỞNG THÚ Y CHỈ ĐẠO... THA!
Cũng theo lời ông Lịch, ngay sau khi đưa xe bò và chủ bò về trụ sở đội, ông đã điện thoại cho Trưởng trạm Thú y huyện Tuy An Tống Văn Đường thông báo vụ việc. “Ông Đường nói rằng mọi việc kiểm dịch, cấp chứng nhận... đều do Chi cục Thú y làm. Đồng thời, ông Đường đề nghị tôi chờ hỏi ý kiến Chi cục trưởng Chi cục Thú y. Sau đó, ông Đường điện thoại cho tôi biết là ông Hòa nói rằng thời điểm đó ở Tuy An chỉ có An Xuân là có dịch, còn những địa phương khác thì không nên thông cảm để cho người ta đi. Tôi đâu làm như thế được, UBND tỉnh đã quy định không được vận chuyển gia súc ở vùng dịch Tuy An, chứ tôi có thấy văn bản nào cho phép cùng trong một huyện bị dịch vùng này thì cấm, vùng kia lại thả đâu” – Đội trưởng Đội QLTT số 4 huyện Tuy An nói vậy.
Cuối tuần qua, chúng tôi đã gặp Trưởng trạm Thú y huyện Tuy An Tống Văn Đường và được ông xác nhận: “Đúng là Chi cục trưởng Nguyễn Minh Hòa có đề nghị số bò trên ở An Dân là xã không có dịch nên thông cảm tạo điều kiện để bà con tiêu thụ. Còn chuyện kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận này khác thì chỉ trên Chi cục làm, dưới này chúng tôi không làm”.
Điều tra của QUỐC KHƯƠNG – KHẮC NHO
Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên nói gì? Để xác minh cụ thể vụ việc, ngày 29-6, Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Minh Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên xung quanh vấn đề này. * Thưa, ông có biết việc Đội QLTT số 4 Tuy An bắt vụ vận chuyển 40 con bò của ông Bùi Kim Thành ngày 20-6? - Hôm đó tôi đi công tác thì có nghe thông tin QLTT bắt một xe bò ở vùng An Dân. Về nguyên tắc, vùng an toàn thì cho đi. Thời điểm đó chỉ có An Xuân là có dịch, An Xuân và An Dân thì cách nhau rất xa nên tôi nghĩ là tạo điều kiện cho dân. Hiện nay tỉnh có chủ trương phải kiểm tra và giám sát thật chặt dịch LMLM nên hiện tỉnh có hai trạm kiểm tra trâu bò ở Trạm cân số 6 và ở Hảo Sơn. Tất cả trâu bò đi qua địa bàn tỉnh, dù xuất phát ở những điểm an toàn, đã kiểm tra rồi thì khi qua đó vẫn phải phúc kiểm lại hết. Và nếu phát hiện có một con dịch bệnh thì cả xe đó phải giữ lại. Chúng tôi làm rất chặt chẽ và thời gian vừa qua được tỉnh giao nhiệm vụ rất nặng nề. Một mặt là chống dịch, mặt khác là những vùng có dịch là nghiêm cấm không được cho vận chuyển, nhưng những vùng không có dịch thì phải tạo điều kiện cho dân. Hôm đó tôi có chỉ đạo là tinh thần nếu vùng xa vùng dịch thì cứ cho người ta vận chuyển đến nơi kiểm tra ở hai điểm. * Nhưng vùng dịch của Phú Yên công bố trên toàn quốc theo cấp huyện chứ không công bố theo cấp xã? - Thời điểm đó Thú y báo cáo cho UBND tỉnh là Tuy An chỉ có một xã An Xuân là có dịch. Cho nên với dân mình có điều kiện giúp được thì giúp. Quan điểm của Thú y là kiểm tra rất kỹ, nếu phát hiện dịch bệnh thì phải hủy hết, nhưng nếu an toàn thì tạo điều kiện cho dân chứ không cứng nhắc. Trách nhiệm tôi nặng nề lắm. Hiện nay thú y được rất nhiều người quan tâm đến. Công an cũng hỏi, Viện Kiểm sát cũng hỏi. Tôi rất là lo, bởi vừa phải phòng chống dịch, vừa phải làm thế nào để đảm bảo đời sống nhân dân, đâm ra nó cũng có nhiều cái nó cũng... (bỏ lửng). Cho nên phải nói rằng trong thời gian qua là trách nhiệm rất nặng nề, nhưng cũng mừng là mình không để xảy ra việc gì. Sắp tới công tác này sẽ làm chặt chẽ hơn. * Vậy việc cho phép ông Thành chở bò từ Tuy An đi tỉnh khác là linh động giải quyết cho dân chứ không phải là cứng nhắc theo quy định như ông nói, phải không thưa ông? - Không, mình phải kiểm tra cụ thể chứ không thể linh động được. Pháp luật không có chuyện linh động. Anh thú y phải kiểm tra và xác nhận cho tôi là con bò không có LMLM, ký vào giấy cho tôi vận chuyển đi thì mới được. Không thể có chuyện có dịch mà linh động cho đi. Tôi có hai trạm phúc kiểm nên kiểm tra thật chặt. Hoàn toàn không có chuyện du di với dân. Nhưng trâu bò của dân tốt thì phải tạo điều kiện cho người ta đi. Nếu như trâu bò xuất phát từ vùng An Xuân mà cho đi thì chết ngay, không cần QLTT trường bắt đâu, mà phát hiện anh chở bò đi phát tán dịch bệnh thì người ta bắt ngay anh kiểm dịch, tiếp đó là thủ trưởng cơ quan thú y cấp tỉnh. * Nhưng giấy cấp cho ông Thành là chở bò ở Tây Hòa, nhưng ở trong ngày cấp giấy đó ông lại đi chở bò ở Tuy An là địa phương có dịch. Chuyện này ông có biết không? - Chuyện này thì cũng không được phản ánh. Nhưng rõ ràng là khi cơ quan chức năng đã cấp giấy cho anh ở Tây Hòa thì anh phải chở bò ở Tây Hòa, không được bắt (chở) ở Tuy An. Nhưng mà thường, đôi khi cũng có trường hợp chủ bò bắt thiếu lượng trâu bò cần thiết thì họ cũng có thể mượn qua mượn lại. Nhưng thực ra đã cấp giấy ở nơi nào thì anh phải thực hiện ở nơi ấy. Khi có báo cáo là QLTT giữ số bò này lại, họ kiểm tra lại thì tôi đã chỉ đạo cho Trạm (Thú y Tuy An) là phải kiểm tra và nếu có an toàn dịch bệnh thì tạo điều kiện cho dân. * Nhưng theo lời QLTT là toàn bộ 40 con bò này họ phục kích phát hiện và sau đó chủ bò cũng thừa nhận là toàn bộ ở An Dân chứ không phải nơi khác tới. Trong khi đó, các loại giấy tờ mà chủ bò đưa ra thì kiểm dịch viên đã chứng nhận là số bò trên đã tiêm phòng, đã được vệ sinh thú y. Điều đó chứng tỏ rằng thú y đã kiểm dịch bò trên giấy. Ông nghĩ như thế nào? - Hiện nay tiêm phòng ở Phú Yên là mỗi năm thực hiện hai lần vào tháng 3 - tháng 4 và tháng 7 - tháng 8 hàng năm. Nhìn chung toàn bộ đàn bò đều được tiêm phòng hết. Thực tế mà nói, trâu bò dân nuôi thì mới sợ, chứ còn bò thịt thì về công tác chuyên môn không lo lắm. Nhưng về quy định, để an toàn thì cũng phải có chứng nhận tiêm phòng. Chứ không phải là động vật chuẩn bị chuyển đi mới tập trung lại để tiêm phòng rồi vào lò mổ thì không có ý nghĩa. * Quy trình kiểm dịch bò vận chuyển đi tỉnh ngoài gồm những bước gì, thưa ông? - Đầu tiên là chủ gia súc phải đến khai báo theo quy định, sau đó ngành thú y đi kiểm tra, nếu thấy xuất phát từ vùng an toàn, động vật khỏe mạnh thì sẽ cấp giấy. Sau đó xe trâu bò này phải tập trung đi về trạm kiểm dịch phúc kiểm, phun thuốc tiêu độc sát trùng. * Riêng vụ này thì thấy quy trình của thú y hơi bất thường bởi cấp cho ông Thành chở 40 con bò ở Tây Hòa nhưng ngay trong buổi sáng ký giấy đó thì ông này bị bắt đang chuyển bò ở Tuy An. Thế thì mình kiểm dịch như thế nào? - Khi được tin báo thì tôi có yêu cầu nếu thấy bò khỏe mạnh thì cho đi và chỉ đạo thêm là đến trạm kiểm dịch thì phải kiểm tra kỹ. Nếu vùng xuất phát không khớp thì có thể phải đổi lại giấy cho phù hợp. * Nhưng giấy ghi rõ là kiểm dịch viên đã kiểm dịch ở Tây Hòa... - Chính thế nên tôi phải chỉ đạo là Trạm Thú y phải kiểm tra ngay. * Thế riêng kiểm dịch viên ký tên đã kiểm dịch bò ở Tây Hòa thì xử lý làm sao? - (Lúng túng) Trường hợp này là do chủ gia súc vì lý do nào đấy đưa ra Tuy An để bắt. Chúng tôi đã chỉ đạo có thể phải đổi lại giấy cho người ta để tạo điều kiện cho dân người ta đi, nhưng phải đảm bảo là gia súc mạnh khỏe. BÌNH LUẬN CỦA BÁO PHÚ YÊN Điều may mắn là việc vận chuyển trái phép 40 con bò của ông Bùi Kim Thành đã được phát hiện sớm và được xử lý, nếu không may ông Thành cầm giấy phép “cấp không cần nhìn gia súc” của ngành thú y đi vận chuyển bò ở vùng dịch trót lọt thì không biết sự thể còn ra sao. Chúng tôi cũng không hài lòng với cách trả lời vòng vo của ông Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên. Ai cũng làm việc vì lợi ích của dân, nhưng phải nằm trong khuôn khổ luật pháp, quy định của Nhà nước. UBND tỉnh đã cấm không được mua bán, vận chuyển gia súc từ vùng dịch thì phải tuân thủ, không có chuyện “xé rào” được. Việc “thông cảm để dân tiêu thụ” như kiểu của ông Hòa cũng giống như việc đến đèn đỏ mà nhìn trước nhìn sau không thấy ai thì được... vượt! Ngành thú y đã bày tỏ ý định rất tốt đẹp là vừa phải phòng chống dịch, vừa phải đảm bảo đời sống người dân, nhưng không phải vì thế mà những vấn đề thuộc về nguyên tắc lại không tuân thủ. * Nhưng ý tôi muốn hỏi rằng ngày 20-6 cấp giấy cũng là ngày ông chủ bò bị bắt đang lên bò ở Tuy An. Vậy ngày hôm đó kiểm dịch viên của ngành có kiểm tra bò tại Tây Hòa không? Mình có kiểm tra rồi thì mới cấp giấy cho người ta chứ? - Cái đó thì phải có kiểm tra chứ. Ví dụ như người ta đến khai báo hôm nay vận chuyển 20 con trâu bò đi, chúng tôi yêu cầu họ phải có tờ khai, sau đó sẽ cử cán bộ đi kiểm tra, khi lên trâu bò rồi thì phải đến hai điểm phúc kiểm... Rõ ràng là chỗ này chắc có thiếu sót ở chỗ... * Phải chăng trong công tác cấp giấy của ngành Thú y còn có kẽ hở? - (Ông Hòa xem bản photocopy các giấy tờ mà chính ông ký cấp cho ông Bùi Kim Thành vận chuyển bò do chúng tôi cung cấp và nói) Về mặt giấy tờ thì hợp lệ. Còn tôi đã chỉ đạo cho Trạm Thú y là nếu mà gia súc an toàn thì cho đi, tất nhiên là sẽ phải thay đổi giấy tờ cho hợp lệ chứ giấy này thì không được xuất phát ở Tuy An. * Nhưng liệu đổi giấy có chuẩn không vì Tuy An là địa phương đã công bố dịch trong toàn quốc? - Không, phải nói là xuất phát từ vùng an toàn. Vào thời điểm ấy, thú y địa phương phải xác nhận đấy là vùng an toàn. Thôi thì tất cả cũng vì dân... Chứ về nguyên tắc mà nói thì có thể ông chủ gia súc ông ta lợi dụng như thế nào đấy... Thôi thì các anh cũng g iúp ngành, bởi trong quá trình làm việc thì chắc cũng có sơ suất... KHƯƠNG NGUYÊN (thực hiện)