Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2001. Tuy nhiên, việc thực hiện luật mới này còn nhiều bất cập, đang chờ Chính phủ ban hành nghị định mới.
Lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm - Ảnh: X.HIẾU |
ÁP DỤNG NGHỊ ĐỊNH CŨ CHO LUẬT MỚI
Trung tá Trương Dụ, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm Phòng Cảnh sát giao thông Công an Phú Yên cho biết: Đến nay, việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008 còn nhiều bất cập do các nghị định, thông tư, hướng dẫn vẫn đang còn là dự thảo. Vì chưa có nghị định mới thay thế Nghị định 146/CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ nên khi xử phạt hành chính các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn căn cứ theo nghị định cũ. Do “luật mới, nghị định cũ” nên đối với các vi phạm mới được quy định trong luật, cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ chỉ nhắc nhở, chứ không thể xử phạt. Chẳng hạn, Luật Giao thông đường bộ 2008 cấm tuyệt đối người điều khiển ô tô sử dụng rượu, bia; chỉ cần phát hiện lái xe có hơi men trong người, cảnh sát giao thông có thể xử phạt. Thế nhưng, do chưa có nghị định quy định về mức xử phạt cụ thể bao nhiêu nên chỉ dùng máy đo hơi thở người tham gia giao thông, nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định cho phép (theo luật cũ) thì mới xử phạt; nếu không, cảnh sát giao thông chỉ nhắc nhở. Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng quy định: người điều khiển phương tiện phải mang theo bốn loại giấy tờ gồm: giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; người đi xe đạp điện, xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm; người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, mô tô, máy kéo có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/giờ không được đi vào đường cao tốc; xe kéo rơmoóc không được kéo theo xe khác; người điều khiển mô tô, xe gắn máy chỉ được chở một người, trẻ em dưới 14 tuổi thì được chở tối đa hai người; người đi bộ khi mang vác vật cồng kềnh phải đảm bảo an toàn không gây trở ngại cho người và phương tiện khác… Tuy nhiên, do chưa có mức chế tài, quy định xử lý vi phạm cụ thể nên khi phát hiện hành vi vi phạm, cảnh sát giao thông cũng chỉ nhắc nhở, cảnh cáo để giáo dục, răn đe là chính, chứ chưa thể xử phạt. Còn đối với những hành vi vi phạm như quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2001, cảnh sát giao thông vẫn áp dụng xử phạt theo Nghị định 146/CP.
NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI
Cũng theo trung tá Trương Dụ, dù Luật Giao thông đường bộ đã có hiệu lực 10 ngày qua, thế nhưng phần lớn người tham gia giao thông vẫn chưa biết các quy định của luật mới này. Thực tế, đến nay hầu hết người đi xe đạp điện, trẻ em từ sáu tuổi trở lên được người lớn chở trên mô tô, xe máy tham gia giao thông vẫn chưa đội mũ bảo hiểm. Theo luật mới, xe gắn máy chỉ được chở tối đa một người, trẻ em dưới 14 tuổi thì được chở hai người. Tuy nhiên, quy định này nhiều người vẫn chưa biết nên vi phạm khá phổ biến. Một vi phạm khác cũng rất phổ biến là nhiều người khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không mang theo đầy đủ bốn loại giấy tờ theo quy định, một phần còn do thói quen lâu nay. Có người cho rằng quy định này chỉ áp dụng đối với người điều khiển ô tô, còn mô tô, xe máy thì không (!?). Có người còn bảo: “Có giấy chứng nhận đăng ký xe, bằng lái xe lại thêm bảo hiểm xe đã thấy nhiều lắm rồi. Bây giờ lại phải có thêm “giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật”, không hiểu là áp dụng đối với ô tô hay xe gắn máy? Nếu đi xe máy mà phải có giấy này thì nhiêu khê quá!”. Bên cạnh đó, tâm lý người tham gia giao thông vẫn chưa có biến chuyển nhiều. Có người vẫn giữ thói quen đối phó, chưa mua bảo hiểm xe cơ giới.
Trung tá Trương Dụ đề nghị: Để Luật Giao thông đường bộ sớm đi vào cuộc sống, mọi người có ý thức tự giác chấp hành các quy định khi tham gia giao thông, các cấp, các ngành và tổ chức đoàn thể, đặc biệt là các cơ quan thông tin đại chúng nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đến với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là những người trực tiếp tham gia giao thông.
VĂN LANG