Thứ Năm, 28/11/2024 06:28 SA
Hợp đồng miệng vẫn phải bồi thường
Chủ Nhật, 11/06/2006 09:20 SA

Sau khi ký hợp đồng với Công ty xây dựng, ông T đã thỏa thuận miệng với ông H làm thợ nề thi công công trình nhà máy nước. Tai nạn xảy ra, ông H bị thương nặng. Ai phải bồi thường?

 

Theo trình bày của ông H: Vào tháng 9-2003, ông thỏa thuận miệng với ông T, theo đó ông làm thợ nề cho ông T tại công trình Nhà máy nước Sông Cầu. Ngày 23-10-2003, trong khi ông H đang đổ bê tông ở độ cao 7,2m thì bị sập giàn giáo và bị thương tật 91%. Quá trình điều trị thương tích tại TP Hồ Chí Minh, ông T đã bồi thường 9.168.400 đồng, nay ông H yêu cầu ông T phải tiếp tục bồi thường 113.250.000 đồng và các chi phí khác gồm 30 tháng tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội bằng 1,6 tháng lương cơ bản và 80% tháng tiền lương cơ bản cho người phục vụ, nuôi bệnh; chu cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt (xe lăn).

 

Ông T thì trình bày: Ông đứng ra nhận thầu phần nề công trình Nhà máy nước Sông Cầu với Công ty xây dựng P. Ông có hợp đồng miệng với ông H làm thợ nề, trả công mỗi ngày 28.000 đồng. Tai nạn xảy ra trong quá trình thi công, ông đã lo chi phí cho ông H tại TP Hồ Chí Minh 9.168.400 đồng là hết trách nhiệm. Trách nhiệm bồi thường còn lại là của Công ty xây dựng P.

 

Đại diện Công ty xây dựng P lại cho rằng: Công ty ký hợp đồng thi công công trình, hạng mục phần nề với ông T. Theo hợp đồng, ông T chịu trách nhiệm về an toàn lao động. Sau đó, ông T tự thỏa thuận với ông H làm thợ nề. Tai nạn xảy ra thì ông T phải bồi thường cho ông H, Công ty không hợp đồng với ông H nên không chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, Công ty tự nguyện hỗ trợ cho ông H 5,6 triệu đồng.

 

Tại phiên tòa mới đây, Hội đồng xét xử TAND huyện Đông Hòa đã nhận định: Theo hợp đồng giữa ông T với Công ty xây dựng P: Ông T tự tổ chức thi công và chịu trách nhiệm về công tác an toàn lao động, mua bảo hiểm tai nạn lao động cho công nhân. Như vậy, ông T là người sử dụng lao động, còn ông H là người lao động cho ông T theo hợp đồng miệng. Xét về lỗi xảy ra tai nạn là do ông T không có biện pháp bảo đảm an toàn lao động khi thi công ở độ cao 7,2m; dàn giáo không bảo đảm an toàn cho việc thi công, chỉ một mình ông H té ngã đã kéo theo sập cả dàn… Như vậy, đánh giá lỗi trực tiếp trong vụ tai nạn lao động này là do người sử dụng lao động (ông H) gây ra. Do đó, tai nạn xảy ra trong quá trình lao động, ông T phải có trách nhiệm bồi thường. Từ đó, Tòa tuyên buộc ông T tiếp tục bồi thường cho ông H 34.278.000đ (gồm chi phí chữa trị thương tích 9.078.000đ, tiền lương 30 tháng là 25.200.000đ). Riêng khoản bảo hiểm xã hội, theo HĐXX, hợp đồng lao động giữa ông T và ông H là hợp đồng miệng, trả công theo ngày, thời hạn hoàn thành công trình chưa đủ 3 tháng… nên quan hệ hợp đồng lao động này không thuộc loại hình phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vì vậy, không xem xét trách nhiệm của ông T về khoản bảo hiểm xã hội.

 

TRẦN BẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek