Phòng, chống tham nhũng (PCTN) là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Đó là quan điểm và mục tiêu của Chính phủ trong việc PCTN, thể hiện rõ trong Nghị quyết 21/NQ-CP ban hành Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020.
Theo đó, để PCTN, vừa phải tích cực chủ động phòng ngừa, vừa phải kiên quyết trong phát hiện và xử lý. Bên cạnh đó, cần xây dựng lực lượng chuyên trách đủ mạnh, có phẩm chất chính trị, bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp làm nòng cốt trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Cần đặt quá trình PCTN trong điều kiện hội nhập, chủ động hợp tác hiệu quả với các quốc gia, tổ chức quốc tế; tiếp thu và chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài trong công tác PCTN.
TỪNG BƯỚC ĐẨY LÙI NẠN THAM NHŨNG
Nghị quyết 21/NQ-CP đề ra mục tiêu, cần ngăn chặn, triệt tiêu các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi.
Song song đó là việc hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng và minh bạch. Từng bước xóa bỏ tệ hối lộ trong giao dịch thương mại và giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Đồng thời hoàn thiện chính sách xử lý, nhất là chính sách hình sự, tố tụng hình sự đối với tham nhũng. Thúc đẩy sự tham gia chủ động của các tổ chức, đoàn thể xã hội, các phương tiện truyền thông và mọi công dân trong nỗ lực PCTN; xây dựng văn hóa và tạo ra thói quen PCTN trong đời sống của cán bộ, công chức và trong các tầng lớp nhân dân.
Nghị quyết đề ra 5 nhóm giải pháp cơ bản: Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh công khai, minh bạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện và xử lý tham nhũng; nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong PCTN.
THỰC HIỆN PCTN THEO LỘ TRÌNH
PCTN là công việc lâu dài, đòi hỏi có sự tham gia của các ban ngành từ Trung ương tới địa phương. Vì vậy, Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 được thực hiện theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất (từ nay đến 2011), thực hiện đồng bộ các giải pháp như nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Đẩy mạnh việc xử lý những vụ việc tham nhũng nổi cộm, gây bức xúc trong dân.
Giai đoạn thứ hai (từ năm 2011-2016), tiến hành mở rộng các biện pháp phòng ngừa như kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN làm căn cứ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật này phù hợp với tình hình mới.
Giai đoạn thứ ba (2016-2020), tiếp tục làm tốt các giải pháp đã đề ra và đã thực hiện từ các giai đoạn trước.
Từ nay đến 2012, Chính phủ cũng tập trung nghiên cứu một số đề án phục vụ cho việc PCTN, điển hình như đề án Minh bạch hóa quá trình hoạch định, trình, ban hành chính sách pháp luật (thời điểm trình khoảng 12/2011); Kế hoạch rà soát sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính giai đoạn 2011-2020 (6/2011); Thông tư liên tịch về công khai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thi hành án (10/2010)... Sắp tới, Chính phủ cũng phê duyệt đề án Thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý (6/2009).
Theo chinhphu.vn