Ngày 21/5/2008, Ban chỉ đạo 915 UBND tỉnh Phú Yên đã tiến hành cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Rượu Vạn Phát (gọi tắt là Công ty RVP) tại thôn Mặc Hàn, xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa). Ban chỉ đạo 915 đã tổ chức niêm phong không cho hoạt động toàn bộ nhà ép mía, nhà chế luyện đường (bao gồm nhà xưởng, dây chuyền thiết bị công nghệ để sản xuất đường từ nguyên liệu mía); đồng thời tháo dỡ các hạng mục công trình băng tải mía. Thế nhưng, từ đó đến nay Công ty RVP vẫn bất chấp pháp luật, ngang nhiên tự ý khôi phục hệ thống dây chuyền mía đường, đầu tư cho nông dân trồng mía. Và hiện nay, công ty này đang triển khai ồ ạt mua mía, chuẩn bị hoạt động chế biến đường.
Công ty RVP mua mía của dân rồi đổ chất đống ở ngay hàng rào trước cổng nhà máy - Ảnh: NGUYÊN LƯU |
Ồ ẠT MUA MÍA RỒI ĐỔ TRƯỚC NHÀ MÁY
8g sáng 6/2, chúng tôi bắt gặp nhiều chiếc xe tải đang bốc dỡ mía nguyên liệu từ trên xe đổ xuống thành từng đống dọc theo mặt trước cổng của Công ty RVP. Tại khu vực trục cần cẩu nhà máy đường của công ty, mía nguyên liệu cũng chất chồng thành từng đống. Điều ngạc nhiên, các xe đều chở mía vào đến bên trong Công ty RVP rồi đưa lên bàn cân, sau khi cân xong xe chở mía chạy ngược trở ra ngoài cổng rồi đổ xuống đất. Ông Ngô Văn Thuận - một người dân ở thôn Mặc Hàn đang vận chuyển mía bán cho Công ty RVP cho biết: “Tôi đã ứng trước tiền đầu tư của Công ty RVP 6 triệu đồng để sản xuất 1,5ha mía. Và từ ngày 1/2 đến nay, tôi đã thu hoạch mía và vận chuyển 4 xe bán cho Công ty RVP với sản lượng được 53 tấn. Hiện tôi đang tiếp tục chở chuyến mía cuối cùng khoảng 7 tấn bán cho công ty này. Giá mỗi tấn mía mua xô tại ruộng là 490.000 đồng/tấn”. Hiện nhiều người dân ở xã Sơn Hà đang thu hoạch mía bán cho Công ty RVP. Theo ông Ngô Văn Oan - một người dân ở thôn Mặc Hàn, xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa), sau khi xe chở mía đến cân tại nhà máy, bà con nhận phiếu sản lượng rồi chỉ chờ nhận đủ tiền. Do vậy, toàn bộ số lượng mía đổ trước nhà máy hiện nay đều là của Công ty RVP chứ không phải của nông dân!
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, chủ tịch UBND xã Sơn Hà: Toàn xã Sơn Hà có 14 hộ đã bán và cam kết bán mía nguyên liệu cho Công ty RVP. Điển hình như các hộ ông Kpá Bảo Ninh, Cao Văn Hòa, Y Mốc, Nguyễn Văn Nhĩ (thôn Suối Cau); Tô Thành Tá, Nguyễn Văn Ninh (thôn Thành Hội); Y Những, Y Chiên, Y Đức (thôn Dốc Cát)… Từ giữa tháng 12/2008, Công ty RVP đã triệu tập lực lượng công nhân trên địa bàn xã Sơn Hà và các nơi khác tiếp tục khắc phục sửa chữa lại hệ thống dây chuyền nhà chế luyện đường. Sau đó, công ty này đã triệu tập cán bộ nông vụ họp và phân lịch đốn mía cho một số hộ nông dân ở xã Sơn Hà. Sau khi tập kết củi đốt lò, từ 4 – 5/2/2009 Công ty RVP đã cho vận chuyển và nhập về nhà máy của công ty với số lượng 22 xe mía, dự ước sản lượng khoảng 355 tấn mía nguyên liệu; trong đó đã cẩu xuống và chất ngoài hàng rào trước cổng của công ty 14 xe với khoảng 210 tấn. Riêng 8 xe mía còn lại, lúc 10giờ 30 ngày 5/2 công ty này đã tập kết vào trong nhà máy và đang cẩu xuống tại khu vực trục cần cẩu. Lúc 15 giờ 30 ngày 5/2, công ty RVP cho bộ phận bàn lùa của nhà máy hoạt động đưa khoảng 500kg mía nguyên liệu vào chế biến với thời gian khoảng 1 giờ thì dừng hoạt động. Từ tối 5/2 đến 10g sáng 6/2, Công ty RVP tiếp tục cấp phiếu đốn và nhập thêm 9 xe mía ước khoảng 144 tấn cẩu bổ xuống trước trục cần cẩu. Ông Đặng Diên Hồng, một hộ dân ở thôn Mặc Hàn cho hay: “Công ty RVP đã phát phiếu đốn cho tôi và bắt đầu từ chiều ngày 6/2 gia đình tôi sẽ chặt mía để bán cho công ty này”.
Thực tế trên cho thấy, Công ty RVP vẫn bất chấp pháp luật, ngang nhiên khôi phục hệ thống dây chuyền ép mía đường, tổ chức mua mía và đang chuẩn bị ép mía với quy mô lớn.
CẦN SỚM XỬ LÝ NHỮNG SAI PHẠM
Trước việc Công ty RVP ồ ạt thu mua mía vận chuyển về nhà máy, tập kết trước cổng nhà máy khi chưa được phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền, UBND xã Sơn Hà đã thành lập 6 tổ công tác (mỗi tổ 10 người) đến từng nhà của các hộ dân nhận tiền đầu tư của Công ty RVP để vận động thực hiện theo chủ trương của tỉnh và Chính phủ. Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, cho biết: “Chúng tôi đã theo dõi, nắm danh sách từng hộ gia đình ở xã Sơn Hà có nhận đầu tư và đăng ký số diện tích, sản lượng mía với Công ty RVP để báo cáo UBND huyện có kế hoạch tiêu thụ mía cho nhân dân, vận động nhân dân không bán mía cho Công ty RVP. Việc Công ty RVP mua mía của người dân tập kết trước cổng nhà máy là nhằm mục đích để cho phóng viên của một số tờ báo Trung ương quay phim, chụp hình, rồi phản ánh sai sự thật về chủ trương của tỉnh?”. Cũng theo ông Tiến, việc Công ty RVP tập kết hơn 210 tấn mía ngoài hàng rào trước cổng rồi để khô héo là có ý đồ gây sức ép để tỉnh cho phép công ty này hoạt động trở lại dây chuyền ép mía đường. “Để sớm ổn định đời sống và tâm lý người dân, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, chúng tôi đề nghị tỉnh, huyện sớm có các giải pháp để xử lý kiên quyết những sai phạm của công ty này”- ông Tiến bức xúc nói.
Để đảm bảo việc tiêu thụ mía cho người dân đã nhận tiền đầu tư của RVP, UBND huyện Sơn Hòa đã làm việc với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam. Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, Ban giám đốc của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân bán mía nguyên liệu cho nhà máy. Đặc biệt, các hộ gia đình đã chặt mía mà Công ty RVP không thu mua sẽ được công ty ưu tiên thu mua. Theo báo cáo số 14/UBND của UBND huyện Sơn Hòa gửi UBND tỉnh Phú Yên, hiện nay, UBND huyện Sơn Hòa đang chỉ đạo các ngành và UBND các xã tiếp tục theo dõi, nắm tình hình và vận động số hộ gia đình trên địa bàn huyện có nhận đầu tư của Công ty RVP trong niên vụ mía 2008-2009 để đăng ký sản lượng mía trình UBND huyện giải quyết tiêu thụ hết mía của dân, không để mía chín khô trên đồng. Đồng thời yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn mời những người dân đã nhận tiền đầu tư sản xuất mía của Công ty RVP lên làm việc cụ thể, nhằm nhắc nhở, giáo dục không để nhân dân do thiếu hiểu biết đã ủng hộ việc làm sai pháp luật của Công ty RVP hoặc nghe theo Công ty RVP mà đi khiếu kiện đông người…
Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa NGUYỄN QUỐC HOÀN: “Huyện đã có văn bản kiến nghị với UBND tỉnh Phú Yên sớm chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm và có biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn những hành vi sai trái của Công ty RVP; cần thiết thu hồi giấy phép kinh doanh, từ chối việc cung cấp điện để giữ nghiêm kỷ cương phép nước”.
NGUYÊN LƯU - ĐỨC THÔNG