Với việc ra đời của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18-1-2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (BĐGTS) và các văn bản hướng dẫn thi hành thì công tác bán đấu giá tài sản đã bước đầu đi vào nền nếp, quy củ. Tuy vậy, trong hoạt động bán đấu giá tài sản còn vướng mắc, bất cập cần sớm khắc phục.
Có thể khẳng định công tác BĐGTS cũng đã giúp ích rất nhiều cho công tác thi hành án dân sự, đã giải quyết phần nào số lượng án tồn đọng trong thời gian qua ở các cơ quan thi hành án và nhất là giá trị tài sản của những người phải thi hành án tăng lên đáng kể. Mặt khác, việc bán đấu giá đã thu về cho ngân sách nhà nước nguồn thu không nhỏ từ những tài sản bị cơ quan có thẩm quyền tịch thu sung công quỹ, như xử phạt vi phạm hành chính, hình sự... mà trước đây việc bán tài sản để sung công rất khó khăn và thường để xảy ra thất thoát, lãng phí và phải chi một khoản kinh phí lớn để bảo quản, vận chuyển...
Đối với công dân, tổ chức thông qua việc BĐGTS công khai họ đã mang lại nhiều điều lợi ở chỗ vừa không mất công vì thủ tục hành chính, giấy tờ chuyển dịch quyền sở hữu đồ vật tài sản sẽ do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (TTBĐGTS) lo, vừa được mua các đồ vật tài sản có đầy đủ thủ tục pháp lý và hệ số an toàn cao, giá cả lại hợp lý hơn so với giá mua bán trong quan hệ dân sự bên ngoài.
Tuy nhiên, trong công tác BĐGTS còn có những vướng mắc, bất cập cần sớm khắc phục sau đây:
Thứ nhất, đó là việc chưa thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định số 05 (NĐ 05), theo quy định tại NĐ 05 thì mỗi địa phương (cấp tỉnh) chỉ thành lập một TTBĐGTS trực thuộc Sở Tư pháp (tập trung vào một đầu mối, do Nhà nước quản lý) và khuyến khích thành lập các doanh nghiệp BĐGTS. Tuy nhiên, sau hơn một năm NĐ 05 có hiệu lực thì đến nay vẫn còn một số địa phương chưa giải thể các tổ chức BĐGTS của Nhà nước thuộc một số ngành khác như tài chính, tài nguyên môi trường... gây ra tình trạng lộn xộn trong công tác BĐGTS.
Thứ hai, về phân bổ biên chế và xây dựng trụ sở cho các TTBĐGTS thuộc Sở Tư pháp ở các địa phương. Theo NĐ 05, việc thành lập TTBĐGTS ở địa phương thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, ngoài quy định chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý... còn khẳng định đấy là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, tài khoản riêng, có tư cách pháp nhân và đặc biệt quy định rõ điều hành các phiên bán đấu giá phải là đấu giá viên được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm. Nhưng đến nay vẫn còn một số địa phương chưa phân bổ biên chế cho TTBĐGTS mà chỉ do một số cán bộ, công chức của Sở Tư pháp kiêm nhiệm và nhiều TTBĐGTS chưa có trụ sở hoạt động riêng nên gây ra rất nhiều khó khăn, bất cập khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thứ ba, mặc dù tài sản tổ chức bán đấu giá thành công nhưng thời gian hoàn tất thủ tục giấy tờ liên quan đến chuyển dịch tài sản, nhất là giấy tờ sở hữu nhà ở, đất đai lại còn lâu. Do chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như xây dựng, tài nguyên môi trường cũng như các cơ quan có liên quan khác như thi hành án, thuế... với TTBĐGTS ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
Thứ tư, việc chưa quy định thu lệ phí hồ sơ đấu giá dẫn đến nhiều trường hợp thông đồng dìm giá trong công tác BĐGTS. Theo quy định hiện hành, việc thụ lý hồ sơ đăng ký đấu giá tài sản là không hạn chế và việc nộp hồ sơ đăng ký đấu giá không phải nộp tiền lệ phí mà người muốn mua tài sản chỉ phải đóng một khoản tiền đặt cọc nếu không mua được TSĐG thì khoản tiền đặt cọc này được trả lại cho người đã nộp (trừ trường hợp đấu giá trúng mà bỏ không mua tài sản thì mới không hoàn trả). Việc quy định như vậy là chưa chặt chẽ vì mức tiền cọc còn quá thấp (5%) và đây cũng là kẽ hở để khách hàng thông đồng dìm giá tài sản. Do không được thu lệ phí hồ sơ đấu giá tài sản nên đã tạo điều kiện cho các đối tượng "cò" đấu giá đăng ký số lượng người tham gia đấu giá "ảo" rất nhiều nhưng người thực sự muốn mua tài sản chỉ một vài người, còn lại là "cò" dìm giá để chia phần. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho người bán tài sản và các TTBĐGTS, doanh nghiệp BĐGTS. Ngoài ra, nó còn gây mất lòng tin của các cơ quan, tổ chức và công dân đối với công tác BĐGTS. Nên quy định các TTBĐGTS, DNBĐGTS được phép thu một khoản lệ phí khi khách hàng nộp hồ sơ đăng ký tham gia ĐGTS mà không phải hoàn trả, tương tự như thu lệ phí hồ sơ đăng ký tham gia đấu thầu trong công tác đấu thầu.
Thứ năm, việc quy định mức lệ phí BĐGTS theo từng khung cho phù hợp hơn với thực tế hiện nay, đó là thu hẹp khung giá tương ứng với mức lệ phí phù hợp, theo cách tính lũy tiến từng phần vì theo cách tính hiện nay khung giá quá lớn ảnh hưởng đến lợi ích của cả bên nhận bán đấu giá và người có tài sản bán đấu giá.
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét, khắc phục những bất cập, vướng mắc trong công tác BĐGTS nhằm thực hiện tốt hơn công tác BĐGTS và từng bước hoàn thiện cơ chế BĐGTS trong thời gian tới.
Theo PLVN