Mới đây, Viện KSND tỉnh tổ chức cuộc thi Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy. Đây là hoạt động thiết thực để đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên hai cấp đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự; đảm bảo việc đề xuất giải quyết các vụ án khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Một đội thi thuyết trình phần báo cáo án bằng sơ đồ tư duy. Ảnh: CTV |
Cuộc thi cũng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành Kiểm sát và nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Thiết thực, ý nghĩa
Tham gia cuộc thi có 10 đội, mỗi đội gồm 3 kiểm sát viên (KSV) đến từ viện KSND 9 huyện, thị, thành phố và khối Hình sự (2 phòng nghiệp vụ) Viện KSND tỉnh. Các đội trải qua 2 phần thi, gồm: Xây dựng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy (SĐTD) và thuyết trình. Đề thi là vụ án mua bán trái phép chất ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gồm 4 bị can, trong đó có 3 bị can phạm 2 tội (với những tình tiết định khung khác nhau) và 1 bị can phạm 1 tội.
Kết quả các bài thi cho thấy, đa số các đội đều ứng dụng phần mềm Xmind và sử dụng sơ đồ hình cây để xây dựng SĐTD. Các sơ đồ này đều sử dụng biểu tượng, hình khối, màu sắc trực quan, hình ảnh sinh động, logic, dễ nhớ; bảo đảm tính chi tiết, phản ánh đầy đủ, khách quan nội dung vụ án, quá trình tố tụng, đề nghị của cơ quan điều tra và đề xuất quan điểm giải quyết vụ án của KSV; thể hiện việc đánh giá toàn diện các chứng cứ buộc tội, gỡ tội. Qua đó, các đội thi đã khái quát được toàn bộ nội dung vụ án; diễn biến hành vi phạm tội; tính chất, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; vai trò và nhân thân của từng bị can; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở đó, KSV đề xuất truy tố các bị can đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Thông qua cuộc thi cũng cho thấy, các đội có kỹ năng sử dụng thành thạo các phần mềm, các ứng dụng có sẵn để xây dựng SĐTD. Đặc biệt, trong phần thi thuyết trình, đa số thí sinh đều thể hiện phong thái bình tĩnh, tự tin, trình bày lưu loát, nắm vững các quy định pháp luật và trả lời câu hỏi phụ của ban giám khảo đúng trọng tâm, trọng điểm…
Anh Đỗ Văn Tiến, KSV sơ cấp, thành viên của đội thi đến từ Viện KSND huyện Tuy An (đơn vị đạt giải nhất) chia sẻ: Cuộc thi này rất thiết thực, ý nghĩa, giúp KSV củng cố, rèn luyện, nâng cao kỹ năng xây dựng SĐTD trong báo cáo án. Từ đó giúp lãnh đạo đơn vị nhanh chóng nắm bắt đầy đủ thông tin, nội dung, chứng cứ vụ án một cách trực quan để chỉ đạo có căn cứ, đúng pháp luật. Đồng thời giúp KSV hệ thống hóa được toàn bộ tài liệu, chứng cứ vụ án để theo dõi, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của ngành Kiểm sát trong thời gian tới.
Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đột phá của ngành Kiểm sát về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, viện KSND hai cấp trong tỉnh đang tập trung nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, ứng dụng CNTT trong công tác kiểm sát và giải quyết các vụ án cho đội ngũ cán bộ, KSV; đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ vụ án, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa; tích cực triển khai báo cáo án bằng SĐTD tại đơn vị.
Ông Hồ Ngọc Thảo, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: Cuộc thi Báo cáo án bằng SĐTD là dịp để các KSV trong ngành Kiểm sát tỉnh trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của việc ứng dụng CNTT vào hoạt động chuyên môn, nhằm cải tiến phương pháp làm việc, tăng hiệu quả công tác kiểm sát; chọn lọc, triển khai các phần mềm, các công nghệ số mới trong hỗ trợ việc báo cáo án, góp phần hiện đại hóa công tác kiểm sát. Đồng thời nhân rộng các mô hình báo cáo án bằng SĐTD, tìm kiếm, phát hiện các cách làm hay, hiệu quả về áp dụng SĐTD trong báo cáo án để hoàn thiện, mở rộng và hướng dẫn thực hành chung ở viện KSND hai cấp.
“Đây là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đột phá của ngành Kiểm sát Phú Yên về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, tạo bước chuyển biến về nhận thức đến hành động, đổi mới phương pháp nghiên cứu, xây dựng báo cáo án trong giải quyết án hình sự, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, đảm bảo việc đề xuất giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội”, ông Hồ Ngọc Thảo cho biết thêm.
Thời gian tới, Viện KSND tỉnh tiếp tục tổ chức các cuộc thi khác liên quan đến việc ứng dụng CNTT. Qua đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, KSV hai cấp trên cơ sở bám sát các mục tiêu chuyển đổi số, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành Kiểm sát, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Hồ Ngọc Thảo |
NGỌC QUỲNH