Thời gian qua, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Phú Yên. Tình trạng này thể hiện ý thức coi thường pháp luật của những người có hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì kỷ cương phép nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ.
Từ chống người thi hành công vụ đến phạm tội giết người
Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng, số vụ chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là sự chống đối với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, so với năm 2022, số vụ chống người thi hành công vụ năm 2023 tăng 53 vụ (203%), làm 1 CSGT hy sinh, 44 cán bộ, chiến sĩbị thương và đã có 79 đối tượng bị bắt giữ. Riêng ở Phú Yên, từ năm 2023 đến nay đã xảy ra 4 vụ chống đối lực lượng CSGT khi đang thi hành công vụ, làm 4 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
Thượng tá Trần Thanh Sử, Trưởng Công an huyện Sơn Hòa cho biết: Mới đây, đơn vị đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Trần Bảo Khanh (SN 2002, trú xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa) về tội chống người thi hành công vụ.
Theo thượng tá Trần Thanh Sử, vào trưa 4/3, trong lúc tổ công tác của Đội CSGT - Trật tự Công an huyện Sơn Hòa do đại úy Đinh Văn Thế trực tiếp điều hành đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm giao thông trên đường Trần Phú, thị trấn Củng Sơn thì phát hiện Khanh điều khiển xe máy vi phạm tốc độ84/60km/giờ, nên tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng xe Khanh để kiểm tra.
Tuy nhiên, Khanh không chấp hành mà còn tăng ga tông thẳng về phía đại úy Thế, khiến anh bị thương ở hai tay và chân phải. Sau đó, tổ công tác đã đưa đại úy Thế cùng đối tượng vi phạm đến Trung tâm Y tế huyện sơ cứu vết thương, ổn định sức khỏe.
Trước đó, năm 2023, trên địa bàn Phú Yên đã xảy ra một vụ chống đối, cản trở CSGT thi hành công vụ với mức độ rất nghiêm trọng. Đó là vụ Nguyễn Minh Lâm (SN 2001, trú xã An Nghiệp, huyện Tuy An) từ việc chống người thi hành công vụ chuyển sang tội danh giết người. Ngày 25/1, TAND cấp cao Đà Nẵng đã bác đơn kháng cáo và tuyên phạt Lâm 16 năm tù về tội giết người.
Theo bản án sơ thẩm, tối 15/1/2023, Tổ công tác của Đội CSGT - Trật tự Công an huyện Tuy An đang tuần tra kiểm soát trên địa bàn thị trấn Chí Thạnh thì phát hiện Lâm điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng xe Lâm để kiểm tra. Nhưng Lâm không chấp hành hiệu lệnh mà tăng ga tông trực diện vào đại úy Nguyễn Mạnh Hùng khiến đại úy Hùng văng xa khoảng 10m. Theo kết luận giám định của Trung tâm Pháp y Phú Yên, đại úy Hùng bị thương tích 66%.
Tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, bị cáo Lâm thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tác động gia đình bồi thường cho bị hại 50,8 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức độ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra, hội đồng xét xử đã tuyên phạt Lâm mức án trên để răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.
Phòng ngừa, ngăn chặn
Những người thi hành công vụ có trách nhiệm thực thi pháp luật, thiết lập trật tự xã hội, bảo vệ bình yên cho Nhân dân. Pháp luật yêu cầu người dân phải tuân thủ, những trường hợp chống đối sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Theo Bộ Công an, tình trạng chống người thi hành công vụ thể hiện ý thức coi thường pháp luật của một bộ phận không nhỏ những người có hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì kỷ cương phép nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ.
Tình trạng chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực trật tự, ATGT diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng, thể hiện sự manh động, liều lĩnh bất chấp hậu quả, coi thường sức khỏe, tính mạng người khác. Điều này đòi hỏi cần có sự nghiêm trị để đảm bảo sự thượng tôn pháp luật, tạo sự răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến các hành vi chống người thi hành công vụ, luật sư Trần Hải Lâm, Văn phòng luật sư Dân Tín (TP Tuy Hòa) cho hay: Phần lớn đối tượng có hành vi này thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, nhận thức pháp luật còn hạn chế, thậm chí một số đối tượng coi thường pháp luật cũng như sức khỏe, tính mạng người khác. Cá biệt có đối tượng vi phạm có hành vi chống đối quyết liệt lực lượng chức năng nhằm trốn tránh việc kiểm tra và bị xử lý.
“Để phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm, ngoài việc xử lý nghiêm minh các đối tượng này, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật đến quần chúng nhân dân, nhất là giới trẻ. Nếu trong trường hợp có bức xúc thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của người thi hành công vụ theo quy định pháp luật; tránh những hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả đáng tiếc cho bản thân, gia đình và xã hội”, luật sư Lâm cho biết thêm.
Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, cá nhân có hành vi chống người thi hành công vụ tùy theo tính chất, mức độ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hay phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. |
MINH NHÂN