Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong đó có cải cách tư pháp (CCTP). Cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, TAND hai cấp Phú Yên đã và đang đẩy mạnh CCTP tập trung xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Báo Phú Yên phỏng vấn TS Trần Huy Đức, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Huy Đức |
* Thời gian qua, TAND hai cấp Phú Yên không ngừng nỗ lực đẩy mạnh CCTP, nâng cao chất lượng công tác xét xử. Những kết quả mà TAND hai cấp của tỉnh đã đạt được như thế nào, thưa ông?
- Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của TAND Tối cao, Thường trực Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, TAND hai cấp Phú Yên luôn tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp đột phá để thúc đẩy CCTP, nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án nói chung và công tác xét xử nói riêng.
Những chủ trương, nhiệm vụ lớn của CCTP đã được TAND hai cấp Phú Yên triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Mặc dù số lượng các vụ việc mà tòa án phải thụ lý, giải quyết hàng năm rất lớn và có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, nhưng các tòa án đã chủ động nắm bắt tình hình, triển khai thực hiện tốt các giải pháp đột phá, chất lượng xét xử của tòa án đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2022, TAND hai cấp đã giải quyết 5.372 vụ việc, đạt tỉ lệ 79,4%, cao hơn năm trước 11,7%. Mặc dù số lượng các loại án phải giải quyết tăng hơn so với cùng kỳ, nhưng tỉ lệ giải quyết của TAND hai cấp vẫn tăng 27,4%; tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan giảm 0,2% so cùng kỳ, đáp ứng yêu cầu TAND Tối cao đề ra. Cùng với đó, TAND hai cấp tổ chức thành công 49 phiên tòa xét xử trực tuyến, 157 phiên tòa rút kinh nghiệm. Riêng 6 tháng đầu năm nay, TAND hai cấp tỉnh Phú Yên giải quyết 1.969 vụ việc, đạt tỉ lệ 46,3%; số phiên tòa tổ chức rút kinh nghiệm là 65 vụ/73 thẩm phán; 1.065 bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử TAND; hòa giải thành, đối thoại thành công 921 vụ, đạt tỉ lệ 46,8%.
Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được đẩy mạnh. TAND Phú Yên tổ chức xét xử 36 phiên tòa trực tuyến. Phú Yên là một trong những tỉnh, thành được TAND Tối cao đánh giá cao về việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến. Phiên tòa trực tuyến là bước đột phá trong CCTP của hệ thống tòa án, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý, đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi phí, thời gian...
TAND tỉnh tổ chức xét xử trực tuyến một vụ án hình sự. Ảnh: NGỌC DUNG |
* Được biết, hiện nay hệ thống tòa án đang tập trung triển khai công tác CCTP theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nội dung này?
- Nghị quyết 27 đề ra nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp, trong đó có TAND. Cụ thể, đến năm 2030, đẩy mạnh CCTP, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử; thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Nghị quyết này cũng nêu những nội dung cốt lõi mà tòa án phải thực hiện, đó là: Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Áp dụng hiệu quả thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp. Ðổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế Nhân dân tham gia xét xử tại tòa án...
Để thực hiện mục tiêu này thì các chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp cần được hoàn thiện theo hướng bảo đảm tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đồng thời hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp. Ngoài ra, các cơ quan tư pháp, trong đó có TAND cần phát triển nhân lực tư pháp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý; đổi mới chính sách, chế độ tiền lương, thời hạn bổ nhiệm và cơ chế bảo đảm để đội ngũ cán bộ tư pháp yên tâm công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
* Để tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện yêu cầu CCTP, thời gian tới TAND Phú Yên đề ra những giải pháp, nhiệm vụ gì, thưa ông?
- Để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác của tòa án, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và công tác CCTP, thời gian tới, cấp ủy, lãnh đạo TAND hai cấp Phú Yên tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, sát với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Đồng thời đẩy mạnh CCTP, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử; thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
TAND hai cấp tỉnh Phú Yên tiếp tục duy trì, thực hiện tốt các giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, vụ việc; đảm bảo các phán quyết của tòa án đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa. Thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án để giảm áp lực công việc. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ thẩm phán thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ đối với hệ thống tòa án là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, phải “gần dân, học dân, hiểu dân và giúp dân”. Đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án; tập trung nguồn lực để hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2025, nâng cao năng lực quản trị tòa án trên nền tảng số; đẩy mạnh việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa trực tuyến. Tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì công lý” bảo đảm thực chất, sáng tạo gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị…
Năm 2023, TAND hai cấp Phú Yên tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu cơ bản về xét xử mà Quốc hội giao. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tích cực đổi mới hoạt động để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, vụ việc theo tinh thần CCTP để thích ứng trong tình hình mới. Qua đó góp phần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. |
NGỌC DUNG (thực hiện)