Chiều 19/12, tại thủ đô Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2023. Các đồng chí: Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp và các thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị.
Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: NGỌC DUNG |
Tại điểm cầu Phú Yên có đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và bà Phan Thị Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tham dự hội nghị với cùng sự tham gia của lãnh đạo các ban, ngành chức năng.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp năm 2022, thực hiện phương châm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” của Chính phủ, ngành Tư pháp đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác. Toàn ngành Tư pháp đã triển khai thực hiện các mục tiêu với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa”, tập trung giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ “gác cổng” về các vấn đề pháp lý. Công tác xây dựng pháp luật nói chung, công tác thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng đã được các bộ, ngành quan tâm chú trọng triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 12 luật, 6 nghị quyết và cho ý kiến với 14 dự án luật khác; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 564 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Ở các địa phương, đã ban hành 3.948 VBQPPL cấp tỉnh, 2.739 VBQPPL cấp huyện, 778 VBQPPL cấp xã. Công tác giám định tư pháp có bước đổi mới, hỗ trợ tích cực cho hoạt động tố tụng. Công tác PBGDPL đa dạng về hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn. Công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực được tăng cường, nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Các công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý tiếp tục, thi hành án dân sự được tăng cường… Những kết quả trên đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Phú Yên. Ảnh: NGỌC DUNG |
Năm 2023, ngành Tư pháp xác định tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện và thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức tư pháp theo vị trí việc làm; tăng cường năng lực tham mưu cho Chính phủ; tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tư pháp; giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà ngành Tư pháp đạt được trong năm 2022. Nhấn mạnh một số nhiệm vụ năm 2023, đồng chí Phạm Bình Minh đề nghị ngành Tư pháp tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời đầy đủ, đồng bộ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật, xác định rõ cơ chế phân công phối hợp. Tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp. Tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục nhằm phục vụ tốt cho người dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc trong diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng, ngăn ngừa các vụ kiện tranh chấp quốc tế. Chú trọng xây dựng bộ máy tư pháp hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn…
NGỌC DUNG