Sở Tư pháp Phú Yên vừa phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức hội thi Kỹ năng tuyên truyền pháp luật và giải quyết các vấn đề xã hội tại huyện Đồng Xuân thông qua hình thức sân khấu hóa sinh động. Hội thi này là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân cơ sở, nhất là người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Một tiết mục tại hội thi Kỹ năng tuyên truyền pháp luật và giải quyết các vấn đề xã hội. Ảnh: NGỌC DUNG |
Sân khấu hóa tuyên truyền pháp luật
Tham gia hội thi có 4 đội với gần 40 thí sinh đến từ các xã: Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc, Xuân Quang 3 và thị trấn La Hai. Thông qua hình thức sân khấu hóa, việc tuyên truyền các kiến thức pháp luật, các văn bản pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em như: Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011… được các cán bộ, hội viên, phụ nữ khéo léo lồng ghép vào nội dung các phần thi: Kỹ năng tuyên truyền pháp luật, biểu diễn tiểu phẩm pháp luật và xử lý tình huống từ tiểu phẩm.
Những câu chuyện, tình huống liên quan đến pháp luật tưởng như khô khan, nhưng các đội đã biết cách thể hiện uyển chuyển, sinh động, hấp dẫn hơn, dễ thấm vào khán giả thông qua các tiểu phẩm: Hối lỗi muộn màng (xã Xuân Quang 3), Hãy vì chúng con (thị trấn La Hai), Tỉnh táo (xã Xuân Sơn Bắc), Chuyện nhà anh Nam (xã Xuân Sơn Nam). Các tiểu phẩm mang đến những câu chuyện xúc động về giá trị của tình thân, tình thương yêu, sự quan tâm gắn kết của tình làng nghĩa xóm, sự cộng đồng trách nhiệm của chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể trong cuộc chiến phòng chống tội phạm mua bán người, phòng chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội… Nếu như tiểu phẩm Hối lỗi muộn màng là câu chuyện về những cô gái trẻ bị lừa bắt sang bên kia biên giới bởi tội phạm mua bán người thì tiểu phẩm Hãy vì chúng con lại là nỗi đau, thương tổn trong tâm hồn của con trẻ về sự rạn nứt hạnh phúc gia đình, về nạn bạo hành trong gia đình dễ khiến con cái sa chân vào con đường phạm tội cũng như những cám dỗ bên ngoài xã hội... Những câu chuyện là hồi chuông cảnh tỉnh cho những bậc làm cha mẹ trong việc giáo dục, quan tâm, gần gũi con cái, vượt qua sự ích kỷ của bản thân, thử thách trong cuộc sống để cộng đồng trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái, giữ lửa hạnh phúc gia đình…
“Trong những năm qua, để nâng cao nhận thức hội viên phụ nữ chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và những quy định của địa phương, các cấp hội LHPN đã phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn, đối thoại chính sách, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ kiến thức pháp luật cho phụ nữ trong tỉnh”, bà Phạm Thị Thu Huyên, Trưởng ban Tuyên giáo - Chính sách luật pháp, Hội LHPN tỉnh cho biết.
Nói về ý nghĩa hội thi này, chị Lưu Thị Thấm, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) thổ lộ: “Với tôi, đây là sân chơi bổ ích để cán bộ, hội viên phụ nữ địa phương được giao lưu học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng tuyên truyền pháp luật, giúp việc truyền tải các quy định pháp luật gần gũi, dễ hiểu hơn. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật hơn nữa để cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân có thêm nhiều cơ hội để nâng cao kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh”.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Hành chính, Bổ trợ tư pháp và Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp, chia sẻ: Hiện nay, nhiều vấn đề xã hội xuất hiện như tội phạm mua bán người với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi; nhiều vấn đề về bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em… đã đặt ra trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương. Bằng nhìn nhận đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức hội thi Kỹ năng tuyên truyền pháp luật và giải quyết các vấn đề xã hội vừa tạo sân chơi giao lưu, học hỏi cho cán bộ, hội viên phụ nữ, vừa nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp hội tham gia giải quyết các vấn đề xã hội gắn với nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người; phòng, chống bạo lực gia đình; thực hiện bình đẳng giới; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và đảm bảo thực hiện các quyền của trẻ em… Hội thi là một trong những hoạt động nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Hội LHPN tỉnh về đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018-2022.
Viên chức Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa. Ảnh: NGỌC DUNG |
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Những năm qua, Sở Tư pháp Phú Yên đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Theo thông tin từ Sở Tư pháp, trong giai đoạn 2012-2022, Sở Tư pháp đã xuất bản 39.000 tờ gấp pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, cấp phát gần 12.000 quyển Sổ tay pháp luật; phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức 42 hội nghị tuyên truyền kiến thức pháp luật cho trên 2.440 hội viên phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và 6 hội thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức mua và cấp phát sách Bạo hành ở nữ giới - số phận và những ước mơ cho cán bộ hội phụ nữ các cấp. Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Tư pháp ký kết kế hoạch phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức giáo dục pháp luật trong nhà trường với các hoạt động tuyên truyền PBGDPL bằng nhiều mô hình, hoạt động hiệu quả như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, Rung chuông vàng, Thiết kế áp phích tuyên truyền, Phiên tòa giả định; biên soạn Câu chuyện pháp luật học đường làm tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hình sự, dân sự... Những nỗ lực trong công tác tuyên truyền PBGDPL đã góp phần không nhỏ trong việc đưa kiến thức pháp luật đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Với vai trò là cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, những năm qua, Sở Tư pháp đã tích cực phối hợp với các thành viên trong hội đồng đẩy mạnh công tác PBGDPL thông qua việc ký kết, triển khai thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch phối hợp. Đặc biệt qua 10 năm triển khai Luật PBGDPL, công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù như: người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người khuyết tật, người lao động trong các doanh nghiệp, cán bộ, nông dân, phụ nữ, học sinh, đoàn viên thanh niên, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc... đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác PBGDPL được chú trọng và ngày càng được triển khai đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, một số mô hình PBGDPL mới, sáng tạo được triển khai ở địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các tầng lớp Nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự và giảm thiểu tình hình vi phạm pháp luật ở địa phương.
NGỌC QUỲNH