Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 9/11 (viết tắt là ngày Pháp luật Việt Nam) là hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị, vai trò của Hiến pháp, pháp luật và giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Nhân dịp này, Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Hà Công Khánh, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh về một số nội dung liên quan đến vấn đề này.
* Năm 2022 là năm thứ 10 Việt Nam tổ chức kỷ niệm ngày Pháp luật Việt Nam. Trong dịp này, Phú Yên tổ chức những hoạt động gì, thưa ông?
- Luật PBGDPL lấy ngày 9/11 hàng năm là ngày Pháp luật Việt Nam. Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực gắn với chủ đề trọng tâm từng năm. Trong đó chú trọng các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, kinh tế; thông tin về pháp luật và thi hành pháp luật trong những lĩnh vực như: Biển đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phòng, chống tham nhũng, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết các tranh chấp về đất đai, khiếu nại, tố cáo…
Riêng năm 2022, để ngày Pháp luật Việt Nam thực sự là điểm nhấn của cả giai đoạn 10 năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội. Trong đó, tập trung vào giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; phê phán các hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật; quán triệt các dự thảo chính sách, quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt chú trọng những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, những vấn đề “nóng” ở các lĩnh vực: cải cách hành chính, lao động, đầu tư, hỗ trợ pháp lý, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bảo vệ môi trường, tranh chấp về đất đai, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống mua bán người, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, phòng chống dịch bệnh… Đồng thời tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Đây cũng là dịp tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật PBGDPL năm 2012.
Các hoạt động hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức thường xuyên, liên tục trong năm, trong đó tập trung vào 2 tháng cao điểm (10-11). Dịp này, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức hội nghị quán triệt các văn bản pháp luật, lồng ghép tổ chức với các nội dung sinh hoạt của đơn vị; tổ chức hội thảo, tọa đàm; tuyên truyền phổ biến pháp luật; hội thi tìm hiểu về pháp luật; hoạt động đối thoại chính sách pháp luật; trợ giúp tư vấn pháp luật miễn phí; tăng cường tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng… Qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, tăng cường trật tự, kỷ cương, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
* Thưa ông, công tác tuyên truyền PBGDPL có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ và Nhân dân, là cầu nối quan trọng để đưa chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Những năm qua, công tác này ở Phú Yên được tăng cường như thế nào?
- Công tác tuyên truyền PBGDPL được Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh coi trọng từ nội dung, hình thức đến chất lượng hoạt động. Qua 10 năm thi hành Luật PBGDPL, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương thường xuyên chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn theo hướng lấy người dân làm trung tâm, bám sát nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của UBND tỉnh, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương.
Công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù như: người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người khuyết tật, người lao động trong các doanh nghiệp, cán bộ, nông dân, phụ nữ, học sinh, đoàn viên thanh niên, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng... đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng PBGDPL tỉnh, trong năm 2022, Sở Tư pháp tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hội thi, phiên tòa giả định, câu chuyện pháp luật học đường, thành lập các mô hình câu lạc bộ... mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên, đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các tầng lớp Nhân dân; nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.
* Để ngày càng lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật thấm sâu vào ý thức, hành động của mỗi người dân và toàn xã hội, thời gian tới, Hội đồng phối hợp PBGDPL sẽ tập trung vào các giải pháp nào, thưa ông?
- Theo tôi, để hoạt động PBGDPL đạt kết quả tốt hơn nữa, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp Nhân dân trong xã hội, thời gian tới cần phát huy tối đa vai trò của hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của hội đồng phối hợp PBGDPL cấp trên, thường xuyên có kế hoạch, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, Nhân dân. Đồng thời củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở. Cần phải gắn công tác này với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu xây dựng Trang thông tin điện tử về PBGDPL của tỉnh; cần phải có kinh phí để triển khai các hoạt động PBGDPL nói chung và các chương trình, đề án về PBGDPL nói riêng.
Ngoài ra, nội dung và hình thức PBGDPL phải đa dạng, phong phú. Nội dung PBGDPL cần có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của từng ngành, địa phương, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, phù hợp với văn hóa của từng vùng, miền. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL kết hợp các hình thức tuyên truyền truyền thống với những hình thức mới đang được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn… Có như vậy, công tác PBGDPL sẽ nhanh chóng lan tỏa, được thực thi và được Nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật thấm sâu vào ý thức, hành động của mỗi người dân và toàn xã hội.
* Xin cảm ơn ông!
Thời gian qua, hoạt động hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam được các sở, ban, ngành, địa phương tích cực tham gia thông qua nhiều hình thức như: Mô hình Sinh hoạt ngày pháp luật; tọa đàm, hội nghị; phiên tòa giả định, các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa... Đặc biệt, những năm gần đây các sở, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL như tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; PBGDPL thông qua các trang mạng xã hội. Qua đó, lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật đến người dân. |
NGỌC DUNG (thực hiện)