Khoảng 50 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không đủ tính hợp pháp, cần phải nâng cấp các quy định liên quan.
Cách đây một năm, Chính phủ ban hành Nghị định 139 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp. Theo đó, những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ được áp dụng nếu quy định đó nằm trong luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng.
Những quy định về loại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nằm trong các loại văn bản kể trên sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2008.
KHÔNG BỎ THÌ “BĂN KHOĂN” HIỆU LỰC
Mới đây, theo rà soát sơ bộ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, hiện có khoảng 400 ngành, nghề thuộc dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Trong số đó có khoảng 50 loại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kèm theo các quy định về giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, giấy xác nhận vốn... nhưng không đủ tính hợp pháp theo yêu cầu của Nghị định 139. Do đó, những quy định và giấy phép này có thể sẽ bị vô hiệu hóa vào đầu tuần sau. Ví dụ, về tổ chức thi hoa hậu, theo rà soát sơ bộ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thì đây là hoạt động có điều kiện. Bởi đơn vị tổ chức thi hoa hậu phải xin phép Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) hoặc Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc UBND tỉnh cấp quyết định cho phép tổ chức. Nếu tổ chức nước ngoài muốn tổ chức thi hoa hậu quốc tế tại Việt
BỎ THÌ KHÓ QUẢN LÝ
Một cán bộ quản lý trong ngành văn hóa cho rằng quy định về điều kiện tổ chức thi hoa hậu sẽ không thể mất hiệu lực. Nếu không có quy định này sẽ dẫn đến tình trạng không có hành lang pháp lý cho việc thi hoa hậu, không có “phương tiện” để quản lý và sẽ “loạn” thi hoa hậu. Tương tự, việc thành lập trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ... hiện đang thực hiện theo Quyết định 14/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điều lệ trường mầm non. Theo quyết định này, muốn lập trường mầm non phải đáp ứng điều kiện về quy hoạch; có cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ; có đội ngũ giáo viên, nhân viên theo yêu cầu; có trên 50 trẻ em... và phải xin cấp phép thành lập trường. Quy định này rất chi tiết nhưng lại nằm trong quyết định của bộ chứ không nằm trong luật hay nghị định. Quy định là vậy mà vẫn không ít nơi vi phạm. Đến 1/9/2008 mà quy định này hết hiệu lực thì khó mà quản lý việc thành lập nhà trẻ.
THẤY CẦN THÌ PHẢI “NÂNG CẤP”
Ngoài ra, một số quy định về điều kiện kinh doanh, giấy phép con trong lĩnh vực khác cũng rơi vào tình thế bỏ thì khó quản lý, không bỏ thì băn khoăn về hiệu lực thi hành. Ví dụ, quy định yêu cầu giấy phép hành nghề khoan giếng đối với hoạt động trám lấp giếng, quy định điều kiện về kịch bản, trang thiết bị, mặt bằng, quản lý giờ chơi... để doanh nghiệp được cung cấp trò chơi trực tuyến (game online); quy định điều kiện vốn tối thiểu 100 tỷ đồng để được kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài... Các quy định này đều nằm trong quyết định, thông tư của cấp bộ. Trong khi Luật Doanh nghiệp không cho phép bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân quy định ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho biết không thể đánh giá cảm tính các điều kiện trên có cần tồn tại hay không. Nếu quy định đó thuộc diện không đủ tính pháp lý và phải bãi bỏ, bị mất hiệu lực thì đành phải chịu thôi. Nếu cho rằng thiếu vắng quy định đó sẽ khó khăn cho công tác quản lý thì cơ quan quản lý phải làm sao cho quy định đó trở nên hợp pháp. Thay vì bộ ban hành quy định đó thì bộ có thể kiến nghị Chính phủ ban hành thành nghị định hoặc Thủ tướng ra quyết định để “nâng cấp” quy định, hợp pháp hơn.
(PLTP)