Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) là một mục tiêu lớn, đúng đắn, được Đảng ta đề ra và thực hiện từ lâu. Sự quyết liệt và hiệu quả trong công tác PCTN, TC không chỉ tiêu trừ đi cái xấu, mà còn góp phần tạo nên những nhân tố tích cực, xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và nâng cao niềm tin yêu, đồng thuận của Nhân dân.
Đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả
Mới đây, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN, TC giai đoạn 2012-2022 với sự tham gia của gần 500 đại biểu dự hội nghị trực tiếp và hơn 80.000 đại biểu dự trực tuyến tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước. Hội nghị đã đánh giá thực chất kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém của công tác PCTN, TC cũng như đề ra những giải pháp quyết liệt đối với “giặc nội xâm” này.
10 năm qua, Ban chỉ đạo trung ương về PCTN, TC đã lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện với quyết tâm chính trị rất cao; đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị và Nhân dân. 10 năm qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC. Theo đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.741 tổ chức Đảng, 167.748 đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng; kiến nghị xử lý trách nhiệm 44.691 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỉ đồng, gần 76.000ha đất...
Đảng viên Nguyễn Ngọc Hân ở phường 9 (TP Tuy Hòa) cho biết, qua theo dõi công tác đấu tranh PCTN, TC những năm gần đây, bản thân ông cũng như đông đảo người dân, cán bộ hưu trí, đảng viên nhận thấy, công tác này được Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành triển khai rất quyết liệt, mạnh mẽ với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”; công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo, thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả. Đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân TP Tuy Hòa nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung tin tưởng vào sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, trung ương, của Ban chỉ đạo trung ương về PCTN, TC; đánh giá cao những kết quả mà Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành đã đạt được, đồng thời mong muốn công tác này tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về PCTN, TC đã nhiều lần nói rằng: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng. Nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm.
Đẩy mạnh các giải pháp PCTN, TC
Từ thực tiễn đấu tranh PCTN, TC, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về PCTN, TC nói rằng, tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. PCTN là chống “giặc nội xâm”, chống sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức. Đây là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi người, trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Vì vậy, cần phải có thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và hành động quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, định hướng lớn trong thời gian tới là kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn. Các giải pháp trọng tâm công tác PCTN, TC trong thời gian tới là nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy Đảng, đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa liêm chính, chống tha hóa, biến chất, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong PCTN, TC ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN, TC. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, TC, nhất là triển khai có hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh...
Thực tiễn cho thấy, những năm gần đây, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hàng năm có xu hướng giảm dần. Công tác đấu tranh PCTN ở các tỉnh, thành tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Vừa qua, một số địa phương đã làm tốt, nhưng so với yêu cầu PCTN trên quy mô cả nước, vẫn còn một số địa phương chưa có chuyển biến.
Mới đây, đoàn kiểm tra số 7 của Ban chỉ đạo trung ương về PCTN, TC đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên để triển khai kế hoạch, chương trình kiểm tra năm 2022 về các nội dung: công tác phát hiện, chuyển giao, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng, tiêu cực; công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng về kinh tế, tiêu cực… Kết quả cho thấy công tác phát hiện, xử lý, PCTN, TC của Phú Yên có nhiều ưu điểm nhưng cũng có không ít khó khăn cần được trung ương hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ. Trong 10 năm (2011-2021), ở Phú Yên, tổng số vụ án tham nhũng kinh tế và tiêu cực được phát hiện và khởi tố là 85 vụ với 232 bị can. Trong đó chủ yếu là các vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền, tài sản của Nhà nước; tham ô tài sản; xâm phạm trật tự về quản lý kinh tế, quản lý đất đai, tài chính - ngân hàng… Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ việc, vụ án có tính chất phức tạp, kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm. Điển hình là các vụ, việc liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, tài chính đang có khó khăn vướng mắc phức tạp như: dự án Nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, các vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai tại 2 thị xã Đông Hòa và Sông Cầu…
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị trung ương có hướng dẫn thống nhất về công tác giám định, định giá trong hoạt động tư pháp, nhất là trong lĩnh vực đất đai; nâng cao trình độ và trách nhiệm của giám định viên tư pháp để đáp ứng yêu cầu giám định, thúc đẩy thành lập các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập. Bên cạnh đó, Phú Yên đề nghị đoàn kiểm tra chỉ rõ, hướng dẫn giúp tỉnh tháo gỡ, giải quyết đảm bảo đúng quy định pháp luật trong quá trình xử lý một số vụ việc có vi phạm kéo dài từ các nhiệm kỳ trước…
Ngày 13/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 622-QĐ/TU về việc thành lập Ban chỉ đạo PCTN, TC tỉnh Phú Yên gồm 15 người, do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo. Sau khi thành lập, ban chỉ đạo xây dựng, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao để hoạt động của ban chỉ đạo đi vào thực chất, hiệu quả trên tinh thần thực hiện tốt chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hướng tới xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh |
NGỌC DUNG