Bộ Tư pháp vừa có Thông tư số 01/2008/TT-BTP hướng dẫn chi tiết về đăng ký, quản lý hộ tịch. Theo đó, khi đăng ký khai sinh, họ, quê quán của con được xác định theo họ, quê quán của người cha hoặc họ, quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ.
Nếu đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú mà không có quyết định công nhận việc nhận cha cho con, thì họ, quê quán của con được xác định theo họ, quê quán của người mẹ. Khi đăng ký kết hôn cho những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì đối tượng phải viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan. Về đăng ký nhận nuôi con nuôi, mẹ kế có quyền nhận con riêng của chồng; cha dượng có quyền nhận con riêng của vợ làm con nuôi khi có đủ điều kiện nhận nuôi con nuôi theo quy định của Luật Hôn nhân- gia đình.
Việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch thực hiện như sau: Đối với trường hợp cải chính ngày, tháng, năm sinh thì ngày, tháng, năm sinh ghi trong giấy khai sinh hiện tại của người có yêu cầu cải chính là căn cứ tính tuổi để xác định thẩm quyền giải quyết yêu cầu cải chính. Việc thay đổi, cải chính hộ tịch (cho người dưới 14 tuổi), bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi, được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi đối tượng cư trú. Việc thay đổi, cải chính hộ tịch (cho người từ đủ 14 tuổi trở lên), xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi, được thực hiện tại UBND cấp huyện, nơi đối tượng cư trú.
(Chinhphu.vn)