Hai người hàng xóm tranh chấp nhau chỗ thoát nước mưa. Tòa dựa vào thông lệ tuyên xử buộc một bên đập vách tường, lấy đất để cho hàng xóm làm chỗ thoát nước mưa. Bản án có hiệu lực pháp luật nhưng đến lượt thi hành án thì cơ quan thi hành án không thể... thi hành.
Ngôi nhà gắn liền với vách tường đang tranh chấp ranh giới liền kề giữa hộ ông Nguyễn Đắc Điệp và bà Nguyễn Thị Điểu |
TRANH CHẤP CHỖ THOÁT NƯỚC MƯA
Nhà bà Nguyễn Thị Điểu liền kề với nhà ông Nguyễn Đắc Điệp trên đường Nguyễn Trãi, phường 5 (TP Tuy Hòa). Lâu nay, nước mưa từ mái nhà bà Điểu thỏa mái đổ xuống đất của ông Điệp. Mâu thuẫn hai gia đình này phát sinh kể từ khi ông Điệp sửa chữa xây dựng lại nhà. Mặc dù đã được chính quyền địa phương tiến hành hòa giải nhưng không thành, bà Điểu làm đơn khởi kiện ông Điệp ra tòa.
Theo bà Điểu, năm 1975 bà mua căn nhà liền kề với ông Nguyễn Được (ông nội của ông Nguyễn Đắc Điệp). Khoảng 20 năm trước, ông nội của ông Điệp chừa cho bà 0,5m để thoát nước mưa từ mái nhà. Sau khi ông nội của ông Điệp mất, toàn bộ diện tích đất và ngôi nhà giao lại cho ông Điệp tiếp tục sử dụng. Năm 2004, ông Điệp sửa chữa xây dựng lại nhà đã cho thợ cưa rui, dỡ bỏ một hàng ngói và đẩy lùi hàng ngói thứ hai vào trong để xây tường khiến nhà bà không còn chỗ thoát nước mưa nữa. Do vậy, bà Điểu khởi kiện yêu cầu tòa buộc ông Điệp tháo dỡ bức tường trả lại chỗ cho nhà bà thoát nước mưa. Trong khi đó, ông Điệp khẳng định là xây dựng bức tường nằm trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của ông đã được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở (giấy hồng-PV). Giới cận đất này được các hộ liền kề ký xác nhận, trong đó có cả hộ bà Điểu. Ông Điệp cho biết, trước khi xây dựng, gia đình ông có thỏa thuận với bà Điểu là xây dựng hệ thống máng thoát nước mưa chảy bên hông nhà bà Điểu. Tuy nhiên, sau đó bà Điểu đổi ý, không chịu làm hệ thống nước mưa mà buộc ông trả lại hiện trạng.
TÒA KHÔNG XỬ... THÁO DỠ BỨC TƯỜNG
Sự việc mâu thuẫn của hai gia đình trên đã được chính quyền địa phương nhiều lần hòa giải, tìm cách tháo gỡ nhưng đều bất thành. Bà Điểu một mực đòi ông Điệp phải đập tường trả lại hiện trạng, không đồng ý phương án xây dựng máng thoát nước mưa mà ông Điệp đã đề xuất. Từ chỗ, hai bên không tìm được tiếng nói chung nên vụ việc chuyển đến TAND TP Tuy Hòa giải quyết.
Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Tuy Hòa cho rằng mái nhà bà Điểu không còn chỗ thoát nước mưa nên khi có trời mưa nước sẽ tràn vào nhà; việc ông Điệp xây dựng bức tường trên là trái với pháp luật nên đã tuyên buộc ông Điệp tháo dỡ bức tường và trả lại diện tích hơn 44,6m2.
Ông Điệp kháng cáo phúc thẩm. Tòa phúc thẩm đã công nhận ông Điệp xây dựng bức tường đang tranh chấp nằm trong phần đất thuộc sở hữu của ông Điệp. Tuy nhiên, tòa cũng cho rằng, ông Điệp không có biện pháp khắc phục làm máng thoát nước mưa hoặc chừa một khoảng cách thoát nước mưa cho nhà bà Điểu là vi phạm luật dân sự. Tòa phúc phẩm cho rằng: “Theo thông lệ của địa phương, việc xây dựng nhà cấp bốn thường làm mái ngói phía sau, kéo dài so với vách nhà ít nhất hai miếng ngói. Điều này phù hợp với lời khai của bà Điểu là khi ông Được xây dựng thêm nhà nhỏ cách đây 20 năm vẫn có chừa 0,5m để cho bà Điểu thoát nước mưa”. Do đó, tòa phúc thẩm đã tuyên buộc ông Điệp tháo dỡ bức tường, công nhận diện tích tranh chấp chiều ngang 0,4m, chiều dài 10,439m thuộc quyền sử dụng bà Điểu và kiến nghị cơ quan chức năng điều chỉnh ranh giới, diện tích đất ông Điệp đúng với thực tế.
KHÔNG THỂ... THI HÀNH ÁN
Dù phán quyết của tòa phúc thẩm có hiệu lực song cơ quan thi hành án không thể nào thi hành án được. Theo cơ quan thi hành án TP Tuy Hòa, bản án tuyên không rõ ràng, không phù hợp với hiện trạng thực tế nên khi tiến hành tháo dỡ bức tường thì ảnh hưởng đến ngôi nhà ông Điệp, có khả năng dẫn đến hậu quả làm sập nhà. Cơ quan thi hành án TP Tuy Hòa cho rằng nếu thi hành án tháo dỡ bức tường, ngôi nhà của ông Điệp sập thì ai chịu trách nhiệm. Do không thể thi hành án được, Thi hành án TP Tuy Hòa đã có công văn yêu cầu TAND tỉnh Phú Yên giải thích rõ các nội dung này. Mặc dù đã hơn 4 tháng trôi qua nhưng đến nay TAND tỉnh Phú Yên vẫn chưa có công văn giải thích. Cơ quan Thi hành án TP Tuy Hòa đã có công văn kiến nghị Chánh án TAND tối cao, Viện KSND tối cao xem xét lại bản án phúc thẩm trên theo trình tự giám đốc thẩm.
Trong khi chờ đợi giám đốc thẩm, bà Điểu khiếu nại Thi hành án TP Tuy Hòa không thi hành bản án dân sự của TAND tỉnh Phú Yên đã có hiệu lực pháp luật. Trưởng Thi hành án TP Tuy Hòa đã có công văn cho biết đang chờ kết quả giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tổ thức thi hành án. Bà Điểu không đồng tình quyết định này nên khiếu nại lên Thi hành án tỉnh Phú Yên. Trưởng Thi hành án tỉnh Phú Yên ra quyết định yêu cầu Thi hành án TP Tuy Hòa tổ chức thi hành với lý do là ông Điệp phải đúc trụ, dầm bảo đảm biện pháp kỹ thuật xây dựng để chống đỡ sàn nhà và cầu thang để không bị sụp đổ khi tháo dỡ bức tường. Thi hành án TP Tuy Hòa đã làm việc với ông Điệp nhưng ông này không đồng ý vì cho rằng phần này không có tuyên trong bản án.
Trước sự bế tắc trong thi hành án bản án này, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự TP Tuy Hòa đã có văn bản đề nghị Thi hành án tỉnh Phú Yên rút hồ sơ vụ việc để thi hành. Tại cuộc họp sơ kết thực hiện cải cách tư pháp mới đây, ông Đào Tấn Hoàng, Trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự TP Tuy Hòa đã báo cáo vụ việc với các cơ quan chức năng. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng xem xét, nhanh chóng giải quyết, đảm bảo đúng pháp luật, tránh để việc thi hành án kéo dài.
MINH ĐỨC