Tốt nghiệp Trường Văn hóa Công an ở Đắk Lắk, từ năm 1991, Kpá Thao nhận công tác tại Đội Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Hòa. Sau đó, người công an mang hai dòng máu Ê đê và Kinh này tiếp tục theo học tại Trường ĐH An ninh nhân dân rồi trở về làm nhiệm vụ công an phụ trách xã.
Đại úy Kpá Thao
Địa bàn đại úy Kpá Thao phụ trách là xã Suối Bạc, có khá đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Để xây dựng vững chắc thế trận an ninh trật tự, đại úy Thao đã tranh thủ vai trò của già làng và người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Trên đường đưa tôi đến thăm một số già làng, đại úy Thao kể: “Tân Lập và Suối Bạc là hai trong số 6 thôn của xã Suối Bạc có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là đồng bào Chăm H’Roi. Bà con ở đây chỉ dựa vào làm rẫy và chăn nuôi gia súc. Năm nào mùa màng thất bát, gia súc dịch bệnh là bà con gặp khó khăn. Lợi dụng những lúc như thế, kẻ xấu kích động, tạo sự mâu thuẫn dẫn đến phát sinh những vụ tranh chấp đất đai, cố ý gây thương tích và phạt vạ theo tập tục lạc hậu…” Trước thực trạng đó, đại úy Thao đã bám trụ buôn làng nhiều ngày đêm, tranh thủ vai trò của già làng và những người có uy tín để vận động đồng bào đấu tranh ngăn chặn những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu. Đại úy Thao đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã Suối Bạc xây dựng hai Hội Già làng ở hai thôn Tân Lập và Suối Bạc gồm 20 thành viên. Thông qua các già làng, đại úy Thao không chỉ nắm bắt kịp thời tình hình an ninh trật tự, mà còn tranh thủ sự hỗ trợ tích cực của họ trong việc phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hòa giải những vụ việc mâu thuẫn ngay từ cơ sở… Hội Già làng thôn Suối Bạc đã vận động 61 hộ gia đình từ chối khiếu kiện, tranh chấp đất ở Hố Thắm với một tổ chức nhà nước; thuyết phục ông Y Hành không nghe kẻ xấu xúi giục tranh chấp đất sản xuất với gia đình ông Y Ên.
Đại úy Kpá Thao kể: “Cách đây một năm, trong một lần về thôn Tân Lập, tôi nghe chuyện bất hòa giữa cha con Oi Xa và Ma Ái. Không khiến được đứa con trai nghe theo ý mình, Oi Xa chuẩn bị một con bò, một con heo, ba ché rượu cần và một chiếc cong bạc rồi mời dòng họ về để làm lễ cúng từ bỏ Ma Ái theo tập tục của đồng bào Chăm H’Roi. Biết không thể can thiệp bằng biện pháp hành chính, tôi tìm đến già làng Oi Hàng bàn việc ngăn chặn. Oi Hàng gọi thêm Oi Ích cùng khuyên Ma Ái phải biết kính trọng cha mẹ, đồng thời giải thích cho Oi Xa không được cưỡng ép con cái thực hiện những công việc trái với pháp luật và đạo đức xã hội”.
Oi Xa bày tỏ: “Nhờ cán bộ Thao và già làng Oi Hàng nên nhà tui không mất bò, mất heo, gia đình lại hòa thuận. Hai thôn Tân Lập và Suối Bạc được công nhận là thôn buôn an toàn về an ninh trật tự, có phần đóng góp rất lớn của đại úy Thao”.
PHAN VĂN LƯƠNG