Trong hai vụ án tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, hai bị cáo có cùng hành vi, cùng tội danh nhưng tòa án đã tuyên hai mức án khác nhau, với sự chênh lệch lớn.
Hiện trường vụ tai nạn xe khách tại huyện Sông Cầu
CÙNG HÀNH VI: HAI MỨC ÁN
Ngày 10/4/2007, trên quốc lộ 1A đoạn qua dốc Bà Ền (thuộc địa phận thôn Phú Điềm, xã An Hòa, huyện Tuy An) xảy ra một vụ tai nạn giao thông thảm khốc, làm bốn em học sinh Trường THPT Lê Thành Phương (Tuy An) chết tại chỗ, một em bị thương nặng, bị thương tật vĩnh viễn 24%. Tài xế gây ra vụ tai nạn trên là Huỳnh Văn Dũng (sinh năm 1971) ở thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa. Cáo trạng xác định Huỳnh Văn Dũng điều khiển xe tải 78K-2801 lấn sang phần đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ, tông vào nhóm học sinh trên. Với hành vi này, Huỳnh Văn Dũng bị Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Phú Yên truy tố theo Khoản 3, Điều 202 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.
Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Phú Yên nhận định: Huỳnh Văn Dũng đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Lẽ ra phải phạt bị cáo mức án cao của khung hình phạt, nhưng xét bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điểm b, p Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Do đó, tòa tuyên phạt Huỳnh Văn Dũng 10 năm tù.
Trong khi đó, ở một trường hợp khác, Dương Hữu Giang (sinh năm 1976, ở thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) điều khiển xe khách 73L-4058 gây tai nạn giao thông trên quốc lộ 1D (đoạn qua xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu) làm ba người chết, 20 người bị thương. Nguyên nhân là do Giang không làm chủ tốc độ, khiến xe tông vào lan can phòng hộ, rồi tự lật. Cáo trạng của Viện KSND Phú Yên truy tố Dương Hữu Giang theo Khoản 3, Điều 202 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Nhận định về vụ tai nạn giao thông này, HĐXX TAND tỉnh Phú Yên cho rằng hành vi của bị cáo rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, làm thiệt hại tính mạng, sức khỏe nhiều người, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. HĐXX cho rằng bị cáo không chấp hành hệ thống biển báo hiệu đường bộ là vi phạm pháp luật. Với hậu quả gây ra, bị cáo phải chịu mức án nghiêm khắc, bị cách ly khỏi xã hội một thời gian để đảm bảo giáo dục và phòng ngừa loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng. HĐXX cũng xem xét tình tiết giảm nhẹ tại Điểm b, p Khoản 1 Điều 46 và Điều 47 Bộ luật Hình sự. Tòa đã tuyên phạt Dương Hữu Giang 4 năm tù.
NGƯỜI XỬ NẶNG, NGƯỜI XỬ NHẸ?
Trong hai vụ án tai nạn giao thông trên, hai bị cáo đều phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Khoản 3, Điều 202 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm. Cả hai bị cáo đều có hai tình tiết giảm nhẹ: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” và “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”. Vì vậy, Huỳnh Văn Dũng và Dương Hữu Giang đều được HĐXX áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại Điểm b, p Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, Dương Hữu Giang lại được HĐXX xem xét áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự để ra quyết định hình phạt nhẹ hơn hình phạt đối với Huỳnh Văn Dũng!
Điều 47 Bộ luật Hình sự quy định: “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật… Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”. Như vậy, cả Huỳnh Văn Dũng và Dương Hữu Giang đều được áp dụng thêm Điều 47 Bộ luật Hình sự để xem xét mức án.
HĐXX của cùng một tòa án đã áp dụng điều luật khác nhau, chưa thống nhất về áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Trong khi HĐXX cho rằng tội phạm về trật tự an toàn giao thông có chiều hướng gia tăng, các ngành chức năng đang nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông thì việc tuyên án như trên sẽ gây băn khoăn trong dư luận.
ĐĂNG TRÌNH