Thứ Sáu, 18/10/2024 11:20 SA
Kiên quyết xóa nạn khai thác đá trái phép
Thứ Ba, 19/03/2019 07:32 SA

Ngày 18/3, Điện lực Đông Hòa và chính quyền địa phương cử lực lượng tiến hành cắt nguồn điện cung cấp cho các điểm khai thác đá chẻ trái phép trên địa bàn huyện - “vựa” đá chẻ lớn của tỉnh. Đây là một trong những giải pháp mà huyện Đông Hòa đưa ra nhằm quản lý tài nguyên đá, cũng như tránh hệ quả xấu có thể xảy ra, ảnh hưởng đến tính mạng con người, môi trường và cảnh quan.

 

Bất chấp hiểm nguy

 

Một điểm khai thác đá tại khu vực đèo Cả - Ảnh: VÂN NGUYÊN

Từ nhiều năm nay, tại các điểm khai thác đá trái phép ở huyện Đông Hòa, nhất là xã Hòa Xuân Nam, hàng ngày có hàng trăm người ở nhiều địa phương khác nhau bất chấp nguy hiểm vẫn khoét núi, xẻ đá để mưu sinh.

 

Theo những người trong nghề, nguyên tắc trong khai thác đá là từ trên cao xuống để loại trừ mối nguy đất đá trên núi đổ ập xuống. Thế nhưng, tại nhiều điểm khai thác đá ở địa phương này, thợ đá muốn tìm cách nhanh nhất để khai thác được nhiều đá và dễ dàng vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ, nên họ khai thác từ dưới chân núi lên. Cách làm này tạo thành hầm ếch, nhiều tảng đá lớn lửng lơ trên đầu, có thể lăn xuống chân núi bất cứ lúc nào.

 

Ông Trần Văn Yên làm nghề khai thác đá chẻ ở xã Hòa Xuân Nam hơn 10 năm nay, cho biết: Tôi không biết làm việc gì để mưu sinh, ngoài khai thác đá chẻ. Thấy nhiều người làm, tôi cũng làm theo, chứ có xin phép ai đâu!? Dù biết là rất nguy hiểm, nhưng phải làm để có tiền nuôi sống gia đình.

 

Ngoài khai thác đá không đúng kỹ thuật, hầu hết người lao động tại các mỏ đá ở huyện Đông Hòa không được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động. Khi được hỏi, nhiều người nói rằng, họ vẫn biết nếu không dùng bảo hộ lao động sẽ tổn hại đến sức khỏe và nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì trước nay không dùng nên đã thành thói quen. Và trên thực tế đã có nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra tại các điểm khai thác đá trái phép. Đơn cử như vụ tai nạn xảy ra tại xã Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Nam vào năm 2008 và 2011, làm 4 người tử vong.

 

Kiên quyết xử lý

 

Ông Trần Văn Ngãi, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam cho biết, không thể thống kê được trên địa bàn xã có bao nhiêu điểm khai thác đá trái phép, vì người dân khai thác nhỏ lẻ ở nhiều nơi khác nhau. Có điểm ở xa khu dân cư, có điểm ở ngay sau nhà người dân nên xã không thể phát hiện được. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm, tập trung tại 2 thôn Hảo Sơn Nam và Hảo Sơn Bắc, nằm trong rừng đặc dụng Đèo Cả, đã ảnh hưởng lớn đến cảnh quan và môi trường khu vực này.

 

Còn tại xã Hòa Xuân Đông, hiện trên địa bàn xã có 6 nhóm và 70 cá nhân khai thác đá chẻ làm vật liệu xây dựng, tập trung ở thôn Phú Khê 1 và Phú Khê 2. Trong số 6 nhóm thì có 4 nhóm khai thác đá không có giấy phép, 2 nhóm còn lại có giấy phép nhưng đã hết hạn. Mỗi nhóm có từ 10 đến gần 100 người làm việc. Đối với 70 cá nhân thì tất cả không có giấy phép khai thác đá.

 

Ông Võ Đình Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cho biết: Việc xử lý các điểm khai thác đá trái phép trên địa bàn huyện là theo chỉ đạo của tỉnh. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, nhất là tại khu vực rừng đặc dụng Đèo Cả, huyện đã phối hợp với ngành chức năng và các xã cùng vào cuộc, trong đó có ngành Điện lực.

 

“Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa rồi, huyện đã giao cho UBND xã Hòa Xuân Nam vận động bà con dọn dẹp toàn bộ các điểm khai thác đá ở khu vực đèo Cả, nếu tái phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định. Nhưng đến nay vẫn chưa làm xong, nên địa phương phải kiên quyết xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất”, ông Tiến khẳng định.

 

Trước đó, ngày 21/1/2019, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Công an, Bộ CHQS, Sở TN-MT tỉnh và UBND huyện Đông Hòa tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện. Trong đó tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về khoáng sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả trực tiếp đến các điểm khai thác đá trái phép, để tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân ký cam kết dừng ngay việc khai thác đá trái phép; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

Ngoài rừng đặc dụng, khu vực đèo Cả còn có núi Đá Bia (còn gọi là Thạch Bi Sơn), được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 2008. Theo quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Đèo Cả đến năm 2020, diện tích bảo tồn khu rừng đặc dụng này là gần 5.700ha. Tỉnh đặt mục tiêu bảo vệ bền vững toàn bộ diện tích rừng và đất rừng; khai thác dịch vụ du lịch sinh thái gắn kết với các điểm di tích lịch sử, cảnh quan; tiến đến hình thành các khu du lịch sinh thái gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ nguồn gen quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học… Vì vậy, việc khai thác đá trái phép sẽ ảnh hưởng lớn đến cảnh quan và môi trường khu vực này.

 

VÂN NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek