Thứ Bảy, 19/10/2024 20:18 CH
Hoạt động hòa giải ở cơ sở: Không để “chuyện bé xé ra to”
Thứ Tư, 14/11/2018 11:00 SA

Qua 5 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở (HGƠCS), công tác hòa giải ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các tổ hòa giải (THG) được xây dựng ở khắp các thôn, buôn, khu phố và thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải; là thiết chế giúp phát huy tính tự quản của người dân trong cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế các vụ việc tranh chấp phải giải quyết bằng con đường hành chính, tòa án.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2014-2018 - Ảnh: VĂN TÀI

 

Những kết quả bước đầu

 

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp), trên cơ sở kế thừa các THG được thành lập theo Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động HGƠCS năm 1998, từ ngày 1/1/2014 (ngày Luật HGƠCS có hiệu lực), các THG ở thôn, buôn, khu phố trên địa bàn tỉnh được xây dựng, củng cố, kiện toàn phù hợp với quy định của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Toàn tỉnh hiện có 653 THG ở 625 thôn, buôn, khu phố, cụm dân cư của 112 xã, phường, thị trấn với 4.602 hòa giải viên, trong đó, hòa giải viên nam có 3.674 người, chiếm 80%; hòa giải viên nữ 928 người, chiếm 20%. Mỗi thôn, buôn, khu phố có ít nhất 1 THG, mỗi tổ có ít nhất 3 hòa giải viên cả nam lẫn nữ. Đội ngũ này hàng năm được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động.

 

Cũng theo bà Oanh, qua 5 năm thực hiện Luật HGƠCS trên địa bàn toàn tỉnh, hoạt động HGƠCS đã đi vào nề nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, góp phần tích cực trong việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Các THG đã tiếp nhận hơn 9.400 vụ việc.

 

Trong số này đa phần là do mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp như: do khác nhau về quan niệm sống, lối sống; tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung; sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung và một số lý do khác.

 

Trong đó, số vụ việc hòa giải thành đạt 78%; số vụ việc đang giải quyết 402 vụ. Một số địa phương có tỉ lệ hòa giải thành cao trên 80% như: TP Tuy Hòa (91%), Đông Hòa (84%), Phú Hòa (83%), góp phần giảm thiểu số vụ, việc tranh chấp phải đưa lên cơ quan có thẩm quyền hoặc tòa án giải quyết.

 

“Chính hoạt động của các THG trên địa bàn tỉnh đã góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đông đảo các tầng lớp dân cư; góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giảm các vụ việc mâu thuẫn, xích mích trong gia đình và khu dân cư”, Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Danh khẳng định.

 

Đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở

 

Theo Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Danh, qua 5 năm triển khai công tác HGƠCS trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự nhiệt huyết, cống hiến của đông đảo đội ngũ hòa giải viên.

 

Việc thực hiện Luật HGƠCS đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động HGƠCS đi vào nề nếp, thống nhất và hoạt động có hiệu quả, tạo bước chuyển biến tích cực. Hầu hết các THG đã được kiện toàn bảo đảm đúng quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên, thể hiện qua tỉ lệ các vụ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước.

 

Số vụ hòa giải thành ngày càng tăng đã hỗ trợ đắc lực chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Những mâu thuẫn nhỏ, những khúc mắc trong quan hệ gia đình, làng xóm đã được các hòa giải viên hóa giải, đem lại cuộc sống bình yên, ổn định và phát triển hơn. Mạng lưới THG được củng cố, mở rộng thu hút nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia.

 

Tuy nhiên, việc triển khai luật vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn vướng mắc. Chế độ báo cáo, thống kê về công tác HGƠCS của các THG chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác nên khó khăn trong công tác theo dõi chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hoạt động HGƠCS. Nhiều địa phương chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các chế độ hỗ trợ hòa giải viên theo quy định của Nghị quyết 122/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, cũng như chưa huy động được các nguồn lực xã hội (nhân lực và kinh phí) tham gia vào công tác HGƠCS.

 

Đánh giá về việc thực hiện Luật HGƠCS trong 5 năm qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng khẳng định, ở đâu làm tốt công tác hòa giải thì ở đó an ninh trật tự được đảm bảo, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy. Công tác hòa giải góp phần xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở. Với nhiều mô hình hay, cách làm mới ra đời đã giúp việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh được thực hiện ngay tại cộng đồng dân cư, không để “chuyện bé xé ra to”.

 

“Để phát huy vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, là thiết chế tự quản trong cộng đồng dân cư, trong thời gian đến, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc chế độ hỗ trợ cho THG và hòa giải viên theo quy định. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiện toàn các THG, huy động những người có uy tín, có kiến thức pháp luật tham gia vào công tác hòa giải.

 

Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp cùng với Ủy ban MTTQ tỉnh sớm ký kết chương trình phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 giữa Chính phủ và Ủy ban MTTQ Việt Nam về việc hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật để có biện pháp nâng cao hiệu quả công tác HGƠCS”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng nhấn mạnh.

 

Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc hòa giải thành còn góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện lên cơ quan cấp trên và tòa án, góp phần giảm tải việc giải quyết đơn thư khiếu kiện ở các cơ quan này, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân. Tuy nhiên, làm thế nào để hoạt động HGƠCS ngày càng đạt được hiệu quả như mong muốn, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, tăng cường công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cả về vật chất, kinh phí…

 

Qua 5 năm triển khai thực hiện Luật HGƠCS, các địa phương tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn 658 THG với 4.812 hòa giải viên ở cơ sở. Các THG đã hòa giải thành 7.026 vụ việc, chiếm 78%/tổng số vụ việc được hòa giải. Thông qua hoạt động hòa giải của các hòa giải viên đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các bên tranh chấp, hóa giải các mâu thuẫn, xích mích, xây dựng niềm tin pháp luật của người dân trong cộng đồng, khu dân cư.

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek