Thứ Hai, 21/10/2024 02:13 SA
Vụ phá rừng ở xã Phú Mỡ (Đồng Xuân): Hủy án do bỏ lọt tội phạm
Thứ Tư, 26/09/2018 08:52 SA

Các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm Nguyễn Văn Võ Quá ở Xuân Lãnh - Ảnh: VĂN TÀI

Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng vừa có quyết định kháng nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh và bản án sơ thẩm của TAND huyện Đồng Xuân đối với bị cáo Nguyễn Văn Võ Quá (trú xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) cùng các đồng phạm trong vụ án hủy hoại rừng tại Tiểu khu 68 (xã Phú Mỡ) để điều tra lại do… bỏ lọt tội phạm.

 

Cùng phá rừng, người lãnh án, người không

 

Từ tháng 5-6/2016, Nguyễn Văn Võ Quá, Đoàn Văn Thành (trú xã Xuân Lãnh) cùng hợp đồng phát rừng để trồng keo lai với La O Quề và La O Hệt (cùng trú xã Phú Mỡ) trên diện tích đất rừng mà Quề và Hệt tự ý chiếm trái phép tại khu vực Suối Tăng, thuộc khoảnh 5, Tiểu khu 68.

 

Quá và Thành hợp đồng ăn chia với Quề 3 vụ, Hệt 2 vụ (mỗi vụ 7 năm); đồng thời, Quề và Hệt chịu đất, còn mọi chi phí khác do Quá và Thành trả. Khi thu hoạch sẽ chia sản phẩm thành 3 phần bằng nhau. Tuy nhiên, khi thực hiện do Thành không có tiền nên một mình Quá đầu tư, còn Thành chuyển sang làm công cho Quá.

 

Trong quá trình làm, ông Hoàng Trung Sơn (Phó Giám đốc Nhà máy chế biến lâm sản Bình Nam (thôn Suối Nga, xã Xuân Lãnh) đưa cho Quá mượn 40 triệu đồng để trả tiền thuê nhân công phá rừng. Có tiền, ngày 13/5/2016, Quá cùng với Thành, Quề, Hệt cùng các công nhân bắt đầu phát dọn rừng trên phần đất tự lấn chiếm của Quề. Đến ngày 18/5/2016 đã phá 3,68ha.

 

Chưa dừng lại, ngày 8/6/2016, Quá thuê nhân công phá rừng do Hệt tự chiếm. Tuy nhiên, đến ngày 14/6/2016, khi các nhân công đang phát dọn rừng thì cơ quan chức năng phát hiện nên yêu cầu dừng lại, đồng thời đo đạc diện tích rừng bị chặt phá trên phần đất tự chiếm trái phép của La O Hệt là 6,02ha.

 

Ngày 11/8/2016, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên giám định và kết luận: “Tổng diện tích rừng bị hủy tại khoảnh 5, Tiểu khu 68 là 9,7ha thuộc trạng thái rừng nghèo, được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ, thiệt hại về lâm sản là 94,894mvà 8,627 ster củi.

 

Ngày 17/4/2017, Hội đồng định giá tài sản của huyện Đồng Xuân kết luận, tổng giá trị thiệt hại diện tích 9,7ha về lâm sản là hơn 67,7 triệu đồng, về môi trường rừng là hơn 271 triệu đồng.

 

Đến ngày 14/6/2017, Viện KSND huyện Đồng Xuân truy tố Nguyễn Văn Võ Quá, La O Quề, La O Hệt về tội hủy hoại rừng.

 

Ngày 15/9/2017, TAND huyện Đồng Xuân đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Võ Quá, La O Hệt, La O Quề phạm tội hủy hoại rừng. Trong đó, Quá lãnh án 5 năm tù, Hệt lãnh án 3 năm 6 tháng tù và Quề lãnh án 3 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho UBND xã Phú Mỡ hơn 338 triệu đồng.

 

Bản án sơ thẩm còn xác định 13 người có quyền và nghĩa vụ liên quan là những người làm thuê được các bị cáo này trả tiền công. Họ chỉ phát dọn rừng theo yêu cầu của Quá và không biết đây là khu vực rừng phòng hộ, không biết cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được phép phát dọn rừng hay không nên xử lý bằng biện pháp khác.

 

Riêng đối với Hoàng Trung Sơn, HĐXX xét thấy trong quá trình làm ăn, Sơn đã cho Quá mượn 40 triệu đồng để Quá trả tiền nhân công phát dọn rừng (?). Còn việc phát dọn rừng trái pháp luật của Quá, Quề và Hệt, Sơn không biết nên không có căn cứ để xác định Sơn có đồng phạm liên quan đến hành vi hủy hoại rừng với Quá, Quề và Hệt.

 

Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, bị cáo Quá kháng cáo kêu oan; Quề, Hệt kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo. Đồng thời, bịcáo Quácung cấp thêm chứng cứ, người đứng đằng sau xúi giục, đưa tiền cho Quá, Quề, Hệt phá rừng là Hoàng Trung Sơn gồm các băng ghi âm của Sơn trao đổi với bị cáo Quá cùng các biên bản giao nhận cây giống giữa bị cáo Quá với Nhà máy chế biến lâm sản Bình Nam.

 

Đến ngày 2/5/2018, TAND tỉnh Phú Yên đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện KSND tỉnh, cũng như luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm đề điều tra lại vì có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội là Đoàn Văn Thành và Hoàng Trung Sơn.

 

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng tại các biên bản lấy lời khai, đối chất; giấy mượn tiền và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Quá đều thừa nhận do quen biết trong quá trình làm ăn nên ông Hoàng Trung Sơn đã cho bị cáo mượn 40 triệu đồng để trả tiền thuê nhân công phát dọn rừng…

 

Trong khi đó, ông Sơn trình bày “công ty hợp đồng để phát dọn rừng trồng keo lai đều hợp pháp, có chính quyền địa phương đồng ý…” nên không đủ cơ sở chứng minh lời khai của bị cáo. Do đó, cấp sơ thẩm không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hoàng Trung Sơn là đúng nên bác kháng cáo của bị cáo Quá; không chấp nhận ý kiến của đại diện Viện KSND tỉnh và luật sư về việc hủy án sơ thẩm, vì Hoàng Trung Sơn không có dấu hiệu đồng phạm với các bị cáo.

 

Song song đó, xét hành vi của các bị cáo hủy hoại diện tích 9,7ha rừng phòng hộ là nguy hiểm cho xã hội, án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ phạm tội và nhân thân từng bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt Quá 5 năm tù, Hệt 3 năm 6 tháng tù, Quề 3 năm tù cùng về tội hủy hoại rừng là phù hợp, không nặng. Các bị cáo kháng cáo xin giảm án nhưng không có tình tiết giảm nhẹ mới nên giữ nguyên án sơ thẩm.

 

Đối với Đoàn Văn Thành, ban đầu thỏa thuận cùng bị cáo Quá hùn vốn để chặt phá rừng, biết rõ rừng này là rừng phòng hộ do Quề, Hệt tự chiếm, mặc dù chỉ là người làm công nhưng có dấu hiệu của tội hủy hoại rừng, được xử lý bằng biện pháp khác là không tương xứng với hành vi và hậu quả nhưng không có kháng cáo, kháng nghị nên cấp phúc thẩm không thể sửa chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng xử lý đúng quy định của pháp luật đối với Đoàn Văn Thành.

 

Do đó, HĐXX phúc phẩm không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, cũng như quan điểm của luật sư và kiểm sát viên nên tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Đồng Xuân.

 

Đề nghị hủy án

 

Mới đây, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng đã ban hành Quyết định 105/QĐ-VC2 kháng nghị giám đốc thẩm. Theo đó, kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm ngày 2/5/2018 của TAND tỉnh Phú Yên; đề nghị xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Phú Yên và bản án sơ thẩm của TAND huyện Đồng Xuân; giao hồ sơ cho Viện KSND cấp sơ thẩm để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật do bỏ lọt tội phạm.

 

Quyết định kháng nghị nhận định: “Các bị cáo Quá, Hệt và Quề bị xét xử về tội hủy hoại rừng theo khoản 3, Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Đoàn Văn Thành về tội hủy hoại rừng là bỏ lọt tội phạm.

 

Bởi hành vi của Đoàn Văn Thành là ngay từ đầu đã cùng với Quá thỏa thuận về việc chung vốn để phá rừng phòng hộ, nhưng khi thực hiện không chung vốn mà chuyển qua làm công cho Quá. Bên cạnh đó, Thành tham gia cùng với Quá, Hệt và Quề xuyên suốt trong quá trình phá rừng gây thiệt hại 9,7ha nên hành vi của Thành là đồng phạm với các bị cáo về tội hủy hoại rừng. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm cho rằng Thành là người làm công cho Quá nên không đồng phạm với các bị cáo về tội hủy hoại rừng mà xử lý bằng biện pháp khác là chưa thỏa đáng.

 

Trong khi đó, đáng lẽ ra đến khi xét xử cấp phúc thẩm đã nhận thấy sai sót nhưng không hủy án giao cho cấp sơ thẩm điều tra lại mà cho rằng Thành có dấu hiệu của tội hủy hoại rừng nhưng không có kháng cáo, kháng nghị liên quan nên không thể sửa chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Chính những nhận định vừa nêu, cũng như việc không điều tra, xét xử đối với Đoàn Văn Thành về tội hủy hoại rừng là bỏ lọt người phạm tội. Do đó cần kháng nghị giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật”.

 

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm cũng đề nghị, các cơ quan tố tụng ở Phú Yên cần điều tra làm rõ hành vi của ông Hoàng Trung Sơn về việc đưa cho Quá mượn 40 triệu đồng để Quá trả tiền thuê nhân công phá rừng. Qua đó xác định hành vi liên quan và vai trò của ông này trong vụ phá rừng phòng hộ như lời khai của các bị cáo…

 

Việc Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án hủy hoại rừng ởTiểu khu 68 là việc làm cần thiết, phù hợp với nền cải cách tư pháp thượng tôn pháp luật.

 

Là người bào chữa, trợ giúp pháp lý cho các bị cáo trong vụ án này, chúng tôi đã kiên trì đấu tranh, với mong muốn các cơ quan tố tụng phải xử lý đúng người, đúng tội bằng một bản án nghiêm minh, công bằng và khách quan, cũng như không bỏ lọt tội phạm.

 

Bởi với bản án đã tuyên như thế, liệu có đủ sức răn đe những kẻ phá rừng, nhất là những người bỏ tiền ra đứng đằng sau lợi dụng để thuê người đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo thiếu hiểu biết về pháp luật để trục lợi? Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm hủy hoại rừng đang có dấu hiệu gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng nói riêng.

 

Ngoài ra, về phần dân sự, các bị cáo phải bồi thường số tiền tương đối lớn và vượt quá khả năng kinh tế của họ, nên việc bỏ lọt các đồng phạm khác thì các bị cáo này ngoài mức phải chịu hình phạt cao còn phải bồi thường dân sự cũng sẽ rất cao. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống gia đình vợ con, người thân của các bị cáo trong khi gia đình đều là hộ nghèo có mã số.

 

LS NGUYỄN HƯƠNG QUÊ

(Văn phòng Luật sư Phúc Luật)

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek