“Việc gì có lợi cho dân, cho buôn thì mình cố gắng làm”, đó là chia sẻ của Ma Doa, Bí thư Chi bộ buôn Đức (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh). Thời gian qua, ông đã làm tốt vai trò Trưởng Ban chỉ đạo mô hình “thôn, buôn không có vũ khí, vật liệu nổ (VK, VLN) trái phép” của buôn Đức, góp phần giữ bình yên trên địa bàn.
Cũng giống như nhiều nơi khác ở huyện Sông Hinh, xã Ea Trol nói chung và buôn Đức nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng chiến tranh nên số vũ khí, bom, mìn, lựu đạn còn sót lại sau chiến tranh khá nhiều. Bên cạnh đó, một số người vẫn tàng trữ súng kíp, súng cồn và các loại súng tự chế để săn bắn thú rừng, phòng vệ… khiến tình hình an ninh trật tự (ANTT) ngày càng diễn biến phức tạp, gây dư luận xấu, bức xúc trong quần chúng nhân dân…
Kiên trì tuyên truyền, vận động người dân
Trước tình trạng trên, từ năm 2012, UBND huyện Sông Hinh đã mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp VK, VLN, công cụ hỗ trợ trái phép. Sau đợt phát động, Công an xã Ea Trol đã tham mưu UBND xã xây dựng mô hình “Thôn, buôn không có VK, VLN trái phép” tại buôn Đức và buôn Mùi.
Với trách nhiệm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban chỉ đạo mô hình “thôn, buôn không có VK, VLN trái phép” buôn Đức, Ma Doa đã phát huy vai trò “đầu tàu”, lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận và các ban, ngành đoàn thể, chi hội buôn phối hợp làm tốt công tác vận động quần chúng giao nộp VK, VLN trái phép…
Theo Ma Doa, nói thì dễ, nhưng khi triển khai thì khó vô cùng! Do phong tục tập quán lạc hậu, bà con thường sử dụng súng kíp, súng phà, súng cồn tự chế để săn bắn thú rừng. Ban đầu đi vận động, ông cũng như các thành viên trong Ban chỉ đạo gặp không ít khó khăn do nhận thức của người dân còn hạn chế.
Ma Doa nói: Họ chỉ biết sử dụng súng còn pháp luật quy định ra sao thì họ không hiểu gì. Khẩu súng gắn với việc săn bắn trong rừng nên khi biết là thứ cấm, nhiều người vẫn lén cất giấu để dùng. Khi bản thân người đó có thương tích do súng thì mới phát hiện được. Một số trường hợp xảy ra mâu thuẫn, xích mích nhau, họ đã sử dụng súng tự chế để giải quyết mâu thuẫn, gây ra những hậu quả đau lòng.
Khó khăn là vậy, nhưng với vai trò bí thư chi bộ, Ma Doa tiến hành họp chi bộ, cùng bàn bạc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, dựa vào quan hệ của thành viên trong tổ với các đối tượng, cá nhân để vận động người dân giao nộp vũ khí độ chế. Song song đó, trong các cuộc họp dân, Ma Doa đều kết hợp tuyên truyền, giải thích cho mọi người hiểu về tác hại, sự nguy hiểm của việc tàng trữ, sử dụng trái phép VK, VLN.
Ngoài ra, hàng ngày, Ma Doa cùng với các thành viên trong tổ còn trực tiếp đi tuyên truyền, vận động bà con, nhất là thanh niên, trai tráng trong buôn. Bởi theo Ma Doa, thanh niên chính là những người chuyên đi săn bắn thú rừng nên rất dễ sử dụng súng kíp hoặc súng tự chế. “Khi phát hiện ai dùng súng trái phép là chúng tôi xuống vận động ngay. Nhiều khi các thành viên trong tổ phải tranh thủ vào tận rẫy, lán trại của bà con để tuyên truyền, mật phục, thu giữ vũ khí trái phép. Ngoài ra, các cán bộ công an huyện, công an xã cũng giúp chúng tôi phát tờ rơi tuyên truyền về tác hại và mối nguy hiểm của súng độ chế. Chúng tôi cứ theo nội dung này để giải thích cho bà con hiểu. Từ đó đến nay, bà con trong buôn không dùng súng tự chế để săn bắn nữa”, Ma Doa cho biết thêm.
Giữ bình yên cho buôn làng
Sau các đợt đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhiều bà con ở buôn Đức đã hiểu ra và tự nguyện đem nộp VK, VLN trái phép… Điển hình, anh A Lê Y Míc đã vận động người thân trong gia đình tự giác giao nộp 4 khẩu súng tự chế. “Còn tôi, trong thời gian 30 ngày đã vận động bà con trong buôn giao nộp 13 khẩu súng các loại. Với “thành tích” này, tôi được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen. Nhưng tôi nghĩ rằng mình học tập và làm theo Cụ Hồ nên cứ việc gì có lợi cho dân, cho buôn là mình làm để góp phần mang lại bình yên cho buôn làng…”, Ma Doa hào hứng khoe thành quả của mình.
Theo ông Nay Y Lâu, công an viên thường trực xã Ea Trol, nhận thức về pháp luật của bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nên việc tuyên truyền để họ tự giác giao nộp súng tự chế cho công an xã là không đơn giản. Tuy nhiên, với sự phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp, đến nay, qua gần 6 năm tổ chức mô hình “Thôn, buôn không có VK, VLN trái phép”, xã đã vận động người dân giao nộp và thu hồi 113 khẩu súng tự chế; 27 đối tượng nghi có sử dụng súng sắn tự chế viết cam đoan, cam kết không sử dụng vũ khí trái phép… Trong đó, bà con buôn Đức đã tự giác giao nộp 45 khẩu súng tự chế. Với kết quả này, lực lượng công an xã và các hội, đoàn thể tiếp tục duy trì, thực hiện tốt mô hình này, nhằm góp phần đảm bảo tốt ANTT trên địa bàn.
Đại úy Trần Thị Mỹ Lệ, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Sông Hinh, cho biết: “Chúng tôi luôn phối hợp tốt với ban chỉ đạo của các xã, thôn/buôn tuyên truyền sâu rộng, giúp bà con nhận thấy tác hại khôn lường của việc tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép. Đặc biệt những lời nói của các già làng, người có uy tín như Ma Doa là hết sức quan trọng.
Từ thành công bước đầu của các mô hình này, Công an huyện Sông Hinh sẽ tiếp tục nhân rộng ra trên địa bàn toàn huyện cùng với tăng cường tuyên truyền, vận động, tổ chức lực lượng theo dõi, bắt, xử lý những đối tượng có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng VK, VLN trái phép. Qua đó không chỉ răn đe, phòng ngừa tội phạm mà còn góp phần chung tay vì buôn làng bình yên, không còn tàng trữ, sử dụng VK, VLN trái phép”.
VĂN TÀI