Ngày 30/8, Viện KSND tỉnh tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp nhằm hạn chế án hình sự sơ thẩm bị hủy để điều tra, xét xử lại” với sự tham dự của gần 50 đại biểu đại diện cho Viện KSND-TAND-Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh và 9 huyện, thị xã, thành phố. Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Trung Hưng, Chánh án TAND tỉnh Phạm Tấn Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Trung Nghĩa đồng chủ trì hội thảo.
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Trung Hưng trình bày đề dẫn hội thảo, nhấn mạnh: Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hủy án để điều tra lại hoặc hủy để xét xử lại như: điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, bỏ lọt tội phạm, chứng minh thiệt hại chưa chính xác, vi phạm trong công tác khám nghiệm hiện trường, vi phạm giới hạn xét xử… Do vậy trước yêu cầu cải cách tư pháp, hội thảo lần này nhằm tìm ra nguyên nhân để có giải pháp cụ thể hạn chế án hình sự sơ thẩm bị hủy án để điều tra, xét xử lại. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật…
Tiếp đó, các đại biểu trình bày 15 tham luận như “Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án hình sự”, “Nâng cao chất lượng giải quyết án kinh tế tham nhũng và chức vụ”… Cùng với chỉ ra thực trạng án hủy để điều tra, xét xử lại hiện nay, các tham luận đã đưa ra nhiều đề xuất, nhiều giải pháp cụ thể về nghiệp vụ, về tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tiến hành tố tụng… nhằm hạn chế án bị hủy để điều tra lại.
Theo thống kê của Viện KSND tỉnh, từ tháng 12/2015-5/2018, TAND cấp tỉnh đã tuyên hủy sơ thẩm của cấp huyện 34 vụ/54 bị cáo để điều tra, xét xử lại; hủy án và đình chỉ 1 vụ án/1 bị cáo. TAND cấp cao phúc thẩm hủy án sơ thẩm của cấp tỉnh 3 vụ/22 bị cáo. TAND cấp cao giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại 5 vụ/ 6 bị cáo.
VĂN TÀI