Viện KSND tỉnh vừa kháng nghị bản án tòa sơ thẩm đã tuyên, đề nghị TAND tỉnh xử phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo Huỳnh Hồng Sỹ (trú phường 9, TP Tuy Hòa) và các đồng phạm gồm: Lê Hoàng Anh (trú khu phố Chu Văn An, phường 5); Nguyễn Hiếu, Trương Sao Lay, Ngô Lê Tuấn Anh, Nguyễn Trọn, Nguyễn Anh Tấn (cùng trú phường 9, TP Tuy Hòa). Tất cả các bị cáo vừa nêu đều phạm tội cố ý gây thương tích.
Theo hồ sơ vụ án, Huỳnh Hồng Sỹ, Nguyễn Hiếu và Trương Sao Lay hành nghề lái taxi mâu thuẫn với Võ Nguyễn Hoài (trú xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) hành nghề xe ôm trong việc đưa đón khách. Tối 27/7/2017, cả ba rủ nhau đi tìm Hoài để đánh. Hiếu điều khiển mô tô chở Sỹ và Lay đến ngã tư quốc lộ 25 và quốc lộ 1 (thuộc thôn Ân Niên, xã Hòa An, huyện Phú Hòa) thấy Hoài đang ngồi nhậu cùng một số người tại quán nước bên đường. Sỹ và Lay xông vào đánh Hoài thì mọi người can ngăn nên nhóm của Sỹ bỏ đi. Sau đó, cả ba đến quán ở thôn Đông Phước (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) nhậu.
Tại đây, Sỹ nói chuyện này mà giải quyết không xong thì khó mà làm ăn. Lay bảo để em gọi thằng Mèo đến đánh dằn mặt Hoài cho. Hiếu nói thằng Mèo là dân địa phương, quen biết không dằn mặt được, để gọi thằng Anh ở phường 5 lên đánh. Sỹ và Lay đồng ý nên Hiếu gọi điện thoại nhờ Anh đánh Hoài. Anh đồng ý, về nhà lấy mã tấu và dao, mác rồi nhờ Nguyễn Trọn chở đi đến quán Bảy Chiều (phường 9). Trọn điều khiển mô tô chở Anh đến ngã ba đường Nguyễn Tất Thành - Lê Lợi thì gặp Nguyễn Anh Tấn và Ngô Lê Tuấn Anh. Tấn hỏi đi đâu mà cầm theo “hàng” vậy anh? Anh nói anh Hiếu gặp chuyện trên đây, nhờ anh lên giúp. Tấn và Tuấn Anh nghe vậy liền đi theo.
Đến khoảng 20 giờ 30 cùng ngày, nhóm của Anh đi đến quán nhậu gặp Hiếu, Sỹ và Lay. Hoàng Anh vào hỏi Hiếu ai đâu, Hiếu nói thằng Hoài chạy xe ôm ở trên quốc lộ kìa. Nghe vậy, Trọn chở Hoàng Anh cầm dao mác; Tấn chở Tuấn Anh cầm mã tấu chạy lên quốc lộ. Sợ nhóm của Anh đánh nhầm người nên Sỹ bảo Hiếu chạy theo. Hiếu điều khiển mô tô chạy đến gọi Hoài ra nói chuyện, cùng lúc nhóm của Anh vừa đến. Hoàng Anh cầm dao mác, Tuấn Anh cầm mã tấu nhảy xuống xông vào chém nhiều cái vào người Hoài làm Hoài bị thương tích 29%.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Phú Hòa tuyên phạt 7 bị cáo tổng cộng 14 năm tù. Trong đó, Sỹ lãnh án 2 năm tù, các bị cáo khác từ 1 năm 6 tháng tù đến 2 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích.
Sau khi bản án sơ thẩm đã tuyên, Viện KSND tỉnh kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh xử phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo Huỳnh Hồng Sỹ và các đồng phạm. Lý do mà Viện KSND tỉnh kháng nghị là nhận thấy hành vi phạm tội của các bị cáo thể hiện bản chất côn đồ hung hãn, bất chấp pháp luật, xem thường tính mạng, sức khỏe của người khác, dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho bị hại 29%, nhưng tòa sơ thẩm chỉ xử phạt ở mức khởi điểm của khung hình phạt là chưa tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo, không đảm bảo yêu cầu giáo dục riêng và phòng ngừa loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng ở địa phương này. Nhất là người phạm tội có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội cố ý gây thương tích, như do mâu thuẫn láng giềng về tranh chấp đất đai, sinh hoạt, ghen tuông; mâu thuẫn bộc phát khi tham gia giao thông như va quẹt nhau, người có lỗi có lời nói, thái độ, hành động không đúng mực… Các đối tượng phạm tội cố ý gây thương tích thường sử dụng hung khí như dao lê, mã tấu, đặc biệt là dao Thái Lan có nhiều trên thị trường. Hành vi phạm tội diễn ra nhanh, chỉ cần mâu thuẫn nhỏ cũng có thể sử dụng hung khí để đánh nhau. Vì vậy, việc kháng nghị tăng hình phạt đối với Sỹ và các đồng phạm không chỉ để răn đe, mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục nhằm kéo giảm tội phạm cố ý gây thương tích đang có chiều hướng gia tăng và đối tượng vi phạm có độ tuổi trẻ hóa.
Để “chuyện bé không xé ra to”, khi xảy ra mâu thuẫn, các bên cần phải bình tĩnh cùng nhau giải quyết trên cơ sở tình làng, nghĩa xóm và thượng tôn pháp luật, tuyệt đối không được dùng vũ lực dẫn đến hậu quả người thì bị thương, kẻ phải vào tù…
LỆ VĂN