Trong thời gian qua, công tác theo dõi thi hành pháp luật (THPL) về điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐKĐTKD) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để công tác này đi vào chiều sâu, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, cũng như góp phần nâng cao chất lượng cạnh tranh cấp tỉnh, rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành hữu quan nhằm đưa ra nhiều giải pháp cụ thể thiết thực hơn nữa.
Nhiều chuyển biến tích cực
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Thị Hoa cho biết: Bám sát kế hoạch của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 21 về công tác theo dõi THPL về ĐKĐTKD trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm trong năm 2018, nội dung và lĩnh vực theo dõi tình hình THPL liên ngành của tỉnh về ĐKĐTKD là lĩnh vực TN-MT, y tế, LĐ-TB-XH…
Theo đó, tiếp tục triển khai thi hành Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Bộ luật Lao động năm 2012 và các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành các luật, bộ luật liên quan đến việc ĐTKD… Đồng thời Sở Tư pháp đã lồng ghép, tập huấn, phổ biến pháp luật về ĐKĐTKD trong các lĩnh vực TN-MT, y tế, LĐ-TB-XH cho các tổ chức, cá nhân liên quan. “Qua theo dõi công tác này, chúng tôi nhận thấy từ đầu năm đến nay, hầu hết sở, ngành, địa phương đều ban hành kế hoạch để triển khai Kế hoạch 21 của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với các sở KH-ĐT, TN-MT, Y tế, LĐ-TB-XH và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ĐKĐTKD, cũng như thành lập đoàn kiểm tra liên ngành công tác này”, bà Hoa cho biết thêm.
Cũng theo bà Hoa, nhìn chung trong thời gian qua việc THPL về ĐKĐTKD của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngày càng được cải thiện, chuyển biến rõ rệt, ý thức tuân thủ pháp luật đã được nâng lên. Bên cạnh đó, khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền đều tuân thủ các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nội dung ĐTKD. Cán bộ, công chức làm nhiệm vụ này đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong quá trình giải quyết các công việc liên quan đến doanh nghiệp và cá nhân…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: một số cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa nắm vững quy định pháp luật về lĩnh vực đang sản xuất, kinh doanh; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác thực thi pháp luật chưa được thường xuyên... Do vậy, cần có giải pháp hữu hiệu để tăng cường theo dõi THPL về ĐKĐTKD trong thời gian tới.
Cần giải pháp thiết thực, cụ thể
Mới đây, Sở Tư pháp đã tổ chức tọa đàm theo dõi tình hình THPL về ĐKĐTKD năm 2018, thu hút gần 50 đại biểu làm công tác nghiệp vụ hỗ trợ ĐKĐTKD và công chức làm công tác theo dõi THPL ở các sở, ngành, đơn vị, địa phương và Hội Doanh nghiệp tỉnh tham gia.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đại diện ở Sở KH-ĐT, UBND huyện Đông Hòa, TP Tuy Hòa và UBND TX Sông Cầu đều cho rằng để từng bước đưa công tác theo dõi tình hình THPL về ĐKĐTKD theo hướng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác theo dõi THPL. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn, nhất là chú trọng tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình THPL.
Theo ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh, các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi THPL đối với lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó tập trung vào các lĩnh vực phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn THPL, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.
Trọng tâm là tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác theo dõi THPL nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn THPL về ĐKĐTKD của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cơ chế phối hợp trong theo dõi tình hình THPL tránh sự dàn trải, trùng lặp; tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành và sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác theo dõi THPL; quy định cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xử lý kết quả theo dõi THPL...
“Trong thời gian đến, Sở Tư pháp sẽ phối hợp với các sở, ngành hữu quan tổ chức nhiều hoạt động giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Song song đó, thông qua công tác thẩm định, xây dựng, góp ý văn bản quy phạm pháp luật, sở sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế và bãi bỏ các quy định chồng chéo trong lĩnh vực ĐTKD... Qua đó tìm ra các giải pháp thiết thực để hỗ trợ ĐKĐTKD trong thời gian đến, góp phần nâng cao các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, cũng như thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh ủy”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Thị Hoa cho biết thêm.
VĂN TÀI