Tình trạng xâm hại ở trẻ em từ đầu năm đến nay tăng so với trước. Điều này đặt ra nhiều vấn đề đối với lực lượng chức năng, vai trò của gia đình trong việc bảo vệ những mầm non tương lai của đất nước.
Từ năm 2012-2016, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã xảy ra 81 vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em với 92 đối tượng bị xâm hại. Con số này đang có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ xâm hại trẻ em gồm 33 đối tượng, xâm hại 13 em, tăng 6 vụ, 28 đối tượng so với cùng kỳ năm ngoái. Các đối tượng thường lợi dụng sự mất cảnh giác, quản lý, đề phòng kém của cha mẹ, lợi dụng sự quen biết với gia đình, dụ dỗ các em khi ở nhà một mình để thực hiện hành vi XHTD. Cũng có trường hợp, do lối sống dễ dãi, sự non dại của một số em đã tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
Để góp phần ngăn chặn tội phạm XHTD trẻ em, thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm các vụ xâm hại trẻ em, qua đó khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng. Riêng trong 6 tháng đầu năm, đã làm rõ, xử lý 16 đối tượng. Mỗi vụ án XHTD trẻ em, ngoài việc gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT còn để lại rất nhiều hệ lụy đau lòng cho bản thân và gia đình các em. Khi bị xâm hại, trẻ sinh ra mặc cảm, cảm thấy mình không có giá trị và mất niềm tin vào những người xung quanh, lo lắng, sợ hãi và mặc cảm với bạn bè. Nhiều trường hợp các em đã nghỉ học giữa chừng. Trẻ cũng bị rối loạn giấc ngủ, chịu áp lực rất lớn và bị tổn thương tâm lý.
Trung tâm Công tác xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH tỉnh là nơi có chức năng tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý cho trẻ bị XHTD. Từ năm 2017 đến nay, trung tâm đã tư vấn hỗ trợ cho 12 trường hợp trẻ em bị XHTD. Chị Đỗ Thị Thúy, cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cho biết: “Hiện nay, thông tin về trẻ em bị XHTD từ địa phương còn rất chậm. Khi trung tâm biết thông tin để can thiệp thì đã quá muộn. Do đó, có nhiều trẻ bị tổn thương tâm lý quá lâu nên một số trường hợp tư vấn không thành công hoặc gia đình không hợp tác vì không muốn khơi gợi lại sự tổn thương. Nếu đối tượng xâm hại là người thân trong gia đình thì việc tố giác là điều vô cùng khó khăn đối với trẻ.
Trẻ không chỉ chịu tổn thương về thể xác, tâm lý mà còn phải chịu một áp lực quá lớn do những người thân đổ lỗi cho trẻ. Có những gia đình ít quan tâm đến sự tổn thương tâm lý của trẻ, ít có kỹ năng trong việc hỗ trợ tâm lý cho con. Nhiều trẻ sau khi bị xâm hại rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, cần phải trị liệu nhưng hiện tại, trung tâm chưa có nhân sự để làm việc này nên thường kết nối với các cơ sở trị liệu mang tính chuyên nghiệp để phục hồi tâm lý cho trẻ”.
Cùng với công tác tư vấn, từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cũng đã tổ chức truyền thông nâng cao kỹ năng bảo vệ trẻ em cho hơn 5.500 đối tượng là trẻ em và người chăm sóc trẻ tại 79 điểm trên địa bàn tỉnh. Trung tá Lê Thị Phương Loan, Chủ tịch Hội LHPN Công an tỉnh, cho biết: Chung tay cùng xã hội bảo vệ trẻ em, trong 6 tháng đầu năm 2018, Hội LHPN Công an tỉnh đã tổ chức 4 buổi tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống xâm hại, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống bạo lực học đường cho trên 2.000 học sinh và trẻ em, như thi tìm hiểu pháp luật, phiên tòa giả định, tọa đàm, sân khấu hóa, hỏi đáp nhanh... Trong các chương trình, các em cũng được xem các video clip có liên quan đến nguyên tắc tự bảo vệ mình, phòng chống XHTD. Đó là những kiến thức, kỹ năng bổ ích góp phần giúp các em tự bảo vệ mình”.
ĐOÀN THY