Mặc dù chỉ là người làm nông và buôn bán ở chợ, nhưng Lê Thị Thanh Trang (trú xã Xuân Sơn Bắc) và Nguyễn Võ Hoàng Thanh Phong (trú xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân) đã “nổ” với nhiều người mình là dân buôn bán bò liên tỉnh, cần tiền để làm ăn và sửa chữa ô tô chở bò đang bị hư. Tin lời, nhiều người dân quê đã bị hai kẻ này lừa chiếm đoạt hơn 1,3 tỉ đồng.
Ham lãi cao, nhiều người “mắc bẫy”
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 8-11/2016, Lê Thị Thanh Trang gặp bà Trương Thị Lệ Hòa và bà Nguyễn Thị Lan (cùng trú thôn Tân Bình, xã Xuân Sơn Bắc) đưa ra thông tin gian dối là mình đang cần vốn mua bán bò, có ô tô chở bò đi bán nhưng bị hư cần tiền sửa chữa. Đồng thời hứa hẹn sau khi mượn tiền, Trang sẽ trả với lãi suất cao khiến bà Hòa, bà Lan tin tưởng và đưa tiền cho Trang.
Bên cạnh đó, để tạo lòng tin, Trang bàn với Nguyễn Võ Hoàng Thanh Phong khi bà Hòa, bà Lan gọi điện thoại đến thì Phong xác nhận là người lái xe chở bò cho Trang hoặc là chồng của Trang. Từ đó, Trang và Phong đã khiến nhiều người “sập bẫy”, chiếm đoạt hơn 1,3 tỉ đồng của các bị hại.
Cụ thể, vào đầu tháng 8/2016, Trang gặp vợ chồng bà Lan hỏi vay 200 triệu đồng với lãi suất cao. Sau đó, Trang nhiều lần trả tiền lãi đúng hẹn từ việc mua bán bò nên vợ chồng bà Lan tiếp tục đưa tiền cho Trang. Tính đến tháng 11/2016, Trang đã “vay” của vợ chồng bà Lan 538,5 triệu đồng và 147 chỉ vàng 9999. Sau đó, nghi ngờ Trang không mua bán bò, cũng không có xe chở bò nên vợ chồng bà Lan nhiều lần gặp để đòi tiền nhưng Trang chỉ trả 10 triệu đồng và 2 chỉ vàng 9999. Số tiền và vàng còn lại, Trang chiếm đoạt tiêu xài cá nhân.
Cũng bằng thủ đoạn này, ngày 10/11/2016, mặc dù không có xe chở bò, nhưng Trang gặp bà Hòa và “nổ” có người mua xe chở bò của Trang với giá 380 triệu đồng. Tuy nhiên, xe bị hư chưa bán được nên Trang hỏi mượn của bà Hòa 80 triệu đồng để sửa và hẹn hôm sau bán xe sẽ trả, kèm theo lãi suất hậu hĩnh. Tin lời Trang, bà Hòa đưa tiền. Đến hẹn, không thấy Trang trả nợ mà còn hỏi mượn thêm tiền để mua bò nên bà Hòa nghi ngờ.
Biết được điểm yếu này, Trang gọi điện bảo Phong gọi cho bà Hòa để tạo lòng tin và nói dối với bà Hòa là Trang có ô tô, có mua bán bò ở Bình Định nên tiếp tục lấy của bà Hòa 215 triệu đồng.
Sau khi tìm hiểu và phát hiện bị lừa, bà Hòa, bà Lan đã làm đơn trình báo cơ quan chức năng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Trang và Phong. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ và khởi tố Trang, Phong về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bài học đắt giá
Ngày 22/1, Viện KSND tỉnh Phú Yên ra cáo trạng truy tố Trang và Phong về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cáo trạng xác định, từ tháng 8-11/2016, Trang đưa ra thông tin gian dối về việc mua bán và có ô tô chở bò khiến bà Lan, bà Hòa tin tưởng, nhiều lần đưa tiền cho Trang với tổng số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Số tiền này Trang chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Riêng Nguyễn Võ Hoàng Thanh Phong đã giúp sức cho Trang gọi điện cho bà Lan và bà Hòa cung cấp thông tin gian dối để hai người này tin tưởng tiếp tục đưa tiền, tạo điều kiện cho Trang chiếm đoạt hơn 359 triệu đồng…
Mới đây, TAND tỉnh Phú Yên đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên xử, bị cáo Trang và Phong đã thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng đã truy tố. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đề nghị hội đồng xét xử xử nghiêm và sớm thu hồi số tiền mà Trang và Phong chiếm đoạt.
Là chủ tọa phiên xử, thẩm phán Võ Nguyên Tùng, Chánh Tòa Hình sự (TAND tỉnh), nhận định: “Vụ án là bài học đắt giá đối với bản thân các bị cáo và người bị hại. Nhất là các bị hại cũng có một phần trách nhiệm vì quá tin tưởng và bị các bị cáo lừa dối về mức tiền lãi hấp dẫn nên “mắc bẫy”. Vì vậy, vụ án này cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều người dân; trước khi có ý định tham gia bất kỳ hoạt động đầu tư, làm ăn nào mọi người nên cân nhắc, suy nghĩ thật kỹ.
Từ những phân tích trên, cũng như ý kiến của đại diện quyền công tố tại tòa, luật sư, kết thúc phiên xử, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Lê Thị Thanh Trang 15 năm tù, Nguyễn Võ Hoàng Thanh Phong 9 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc hai bị cáo này phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho các bị hại.
“Bản án đã tuyên, các bị cáo đã phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình. Nhất là thông qua vụ án này còn có tác dụng răn đe các đối tượng khác không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội tránh hậu quả nghiêm trọng hơn hoặc từ bỏ ý định thực hiện hành vi phạm tội với những đối tượng đang trong giai đoạn chuẩn bị”, thẩm phán Võ Nguyên Tùng nhấn mạnh.
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7-15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.”
(Điều 139, Bộ luật Hình sự quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) |
VĂN TÀI