Thứ Ba, 22/10/2024 22:38 CH
Xét xử vụ phá rừng ở tiểu khu 68, xã Phú Mỡ (Đồng Xuân): Liệu có bỏ lọt tội phạm?
Thứ Tư, 16/05/2018 10:00 SA

Các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm - Ảnh: VĂN TÀI

Các bị cáo cho rằng mình là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế, mục đích chặt phá rừng là trồng keo nhằm phát triển kinh tế. Do đó, họ đã tự ý chiếm đất rừng nên phạm tội hủy hoại rừng. Còn tại phiên phúc thẩm mới đây, Viện KSND tỉnh, luật sư đề nghị hủy án sơ thẩm vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhưng tòa vẫn tuyên án…

 

Gần 10ha rừng bị phá

 

Theo hồ sơ vụ án, đầu tháng 5/2016, Nguyễn Văn Võ Quá (trú xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) hợp đồng phát rừng để trồng keo lai với La O Quề và La O Hệt (cùng trú xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) trên diện tích đất rừng mà Quề và Hệt tự ý chiếm trái phép tại khu vực Suối Tăng, thuộc khoảnh 5, tiểu khu 68, xã Phú Mỡ. Quá hợp đồng trồng keo với Quề 3 vụ, Hệt 2 vụ (mỗi vụ 7 năm), đồng thời, Quề và Hệt chịu đất, còn mọi chi phí khác do Quá trả. Khi thu hoạch sẽ chia sản phẩm thành 3 phần bằng nhau.

 

Ngày 7/5/2016, Quá đưa trước cho Quề 5 triệu đồng để mua đồ ăn và cho nhân công phát dọn rừng. Sau khi ứng tiền, Quề đã trực tiếp thuê nhân công ở thôn Phú Lợi (xã Phú Mỡ) để phát dọn rừng. Đến ngày 13/5/2016, Quá cùng với Đoàn Văn Thành (trú xã Xuân Lãnh), Quề, Hệt cùng các công nhân bắt đầu phát dọn rừng trên phần đất tự lấn chiếm của Quề. Đến ngày 18/5/2016, phần đất tự lấn chiếm của Quề được phát dọn xong nên Quá cho Quề ứng tiếp 2 triệu đồng để trả tiền cho công nhân phát dọn rừng. Sau khi cơ quan chức năng phát hiện, phần diện tích rừng bị chặt phá trên phần đất tự lấn chiếm trái phép của Quề là 3,68ha.

 

Chưa dừng lại, đến ngày 25/5/2016, Quá thuê các công nhân ở xã Phú Mỡ phát dọn trên phần đất tự chiếm của La O Hệt với số tiền 5,5 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đến ngày 14/6/2016, khi các nhân công đang phát dọn rừng thì cơ quan chức năng phát hiện nên yêu cầu dừng lại, đồng thời đo đạc diện tích rừng bị chặt phá trên phần đất tự chiếm trái phép của La O Hệt là 6,02ha.

 

Ngày 11/8/2016, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên giám định và kết luận: “Tổng diện tích rừng bị hủy tại khoảnh 5, tiểu khu 68 là 9,7ha thuộc trạng thái rừng nghèo, được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ, thiệt hại về lâm sản là 94,894m3 và 8,627 ster củi.

 

Ngày 17/4/2017, Hội đồng định giá tài sản của huyện Đồng Xuân kết luận, tổng giá trị thiệt hại diện tích 9,7ha về lâm sản là hơn 67,7 triệu đồng, về môi trường rừng là hơn 271 triệu đồng.

 

Đến ngày 14/6/2017, Viện KSND huyện Đồng Xuân truy tố các bị can Nguyễn Văn Võ Quá, La O Quề, La O Hệt. Cáo trạng xác định, từ tháng 5-6/2016, Quá, Quề và Hệt đã thuê nhân công chặt phá trái phép 9,7ha rừng phòng hộ tại khoảnh 5, tiểu khu 68, xã Phú Mỡ. Trong đó, Quá và Hệt phá rừng với diện tích 6,02ha, giá trị thiệt hại về lâm sản hơn 42 triệu đồng, về môi trường là hơn 168 triệu đồng; Nguyễn Văn Võ Quá và Quề phá rừng với diện tích 3,68ha, giá trị thiệt hại về lâm sản là hơn 25 triệu đồng, về môi trường rừng là 102 triệu đồng.

 

Ngày 15/9/2017, TAND huyện Đồng Xuân đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Võ Quá, La O Hệt, La O Quề phạm tội hủy hoại rừng. Trong đó, Quá lãnh án 5 năm tù, Hệt lãnh án 3 năm 6 tháng tù và Quề lãnh án 3 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho UBND xã Phú Mỡ hơn 338 triệu đồng.

 

Bản án sơ thẩm còn xác định 13 người có quyền và nghĩa vụ liên quan là những người làm thuê được các bị cáo này trả tiền công. Họ chỉ phát dọn rừng theo yêu cầu của Quá và không biết đây là khu vực rừng phòng hộ, không biết cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được phép phát dọn rừng hay không nên xử lý bằng biện pháp khác.

 

Riêng đối với Hoàng Trung Sơn (công tác tại Nhà máy chế biến lâm sản Bình Nam, tỉnh Bình Định), HĐXX xét thấy trong quá trình làm ăn, Sơn đã cho Quá mượn 40 triệu đồng để Quá trả tiền nhân công phát dọn rừng (?). Tuy nhiên, việc phát dọn rừng trái pháp luật của Quá, Quề và Hệt, Sơn không biết nên không có căn cứ để xác định Sơn có đồng phạm liên quan đến hành vi hủy hoại rừng với Quá, Quề và Hệt.

 

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

 

Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, bị cáo Quá kháng cáo kêu oan; Quề, Hệt kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo. Đồng thời, bịcáo Quácung cấp thêm chứng cứ, người đứng đằng sau xúi giục, đưa tiền cho Quá, Quề, Hệt phá rừng là Hoàng Trung Sơn là các băng ghi âm của Sơn trao đổi với bị cáo Quá cùng các biên bản giao nhận cây giống giữa bị cáo Quá với Nhà máy chế biến lâm sản Bình Nam. Các bị cáo cho rằng mình là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế, làm gì có nhiều tiền thuê nhân công chặt phá rừng để trồng keo nhằm phát triển kinh tế?

 

Mới đây, TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên xử này, các bị cáo giữ nguyên quan điểm kháng cáo.

 

Đại diện thực hành quyền công tố tại tòa, kiểm sát viên Lê Văn Tám (Viện KSND tỉnh) đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm hủy hoại rừng đang có dấu hiệu gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng. Cụ thể là chưa làm rõ hành vi của Hoàng Trung Sơn, có phải là người đứng đằng sau xúi giục, hỗ trợ tiền cho các bị cáo Quá phá rừng trái phép hay không? Hay như Đoàn Văn Thành là người cùng Quá thực hiện xong hành vi phạm tội nên cần phải xử lý.

 

Bào chữa cho các bị cáo, luật sư Nguyễn Hương Quê (Văn phòng Luật sư Phúc Luật, Đoàn luật sư Phú Yên) đối với bị cáo Quá thì các chứng cứ cần phải làm rõ tại tòa nhưng chưa được xem xét như: băng ghi âm giữa Quá và Sơn; biên bản giao nhận cây giống giữa Quá và Công ty TNHH Bình Nam; lời khai các nhân chứng tại tòa cho rằng khi phát dọn rừng có người tên Chân (Công ty TNHH Bình Nam) lànhân viên của ông Sơn lên tận nơi chỉ ranh giới để Quá phát dọn thực bì. Hoàn cảnh kinh tế, gia đình của bị cáo Quá rất khó khăn, đang nuôi 3 con nhỏ, vợ bệnh tật không có việc làm. Số tiền Sơn đưa cho Quá 40 triệu đồng là để thuê nhân công chặt phá rừng chứ không phải Sơn cho mượn (vì Quá và Sơn không có quan hệ họ hàng; gia đình bị cáo Quá là người đồng bào dân tộc thiểu số, là hộ nghèo, không có nhu cầu mượn và không có khả năng trả nợ. Quá không có khả năng đầu tư trồng rừng, khoảng 36 triệu đồng/ha) mà chỉ được Sơn cho hưởng số tiền 500.000 đồng/ha nếu phát dọn thực bì xong giao lại cho Sơn, vì trước đó Quá đã làm cho Sơn ở những vị trí khác. Vì vậy, luật sư đề nghị tòa xem xét hủy án theo đề nghị của viện kiểm sát.

 

Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét lại hành vi của bị cáo La O Quề, La O Hệt chỉ phát dọn rừng với diện tích 3,68ha. Do đó, căn cứ vào Nghị quyết 122 ngày 29/6/2016 của Quốc hội và khoản 3, Điều 7, Bộ luật Hình sự năm 2015 áp dụng một số quy định có lợi cho bị cáo Quề, Hệt cũng như xem xét giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo. Bởi theo Quyết định 2358/QĐ-UBND ngày 12/12/2007 của UBND tỉnh Phú Yên về việc phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng từ năm 2007 xác định, khu rừng bị phá là quy hoạch đất rừng phòng hộ, nhưng nguyên tắc xử lý sai phạm là phải theo hiện trạng thực tế. Vì bản kết luận giám định 585/KLGĐ-CCKL ngày 11/8/2016 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên xác định trạng thái là rừng nghèo nên cần phải xem xét theo thực tế khi xử lý các bị cáo vì mức độ, tính chất gây nguy hại giữa rừng nghèo và rừng phòng hộ hoàn toàn khác nhau.

 

Tuy nhiên, đề nghị của Viện KSND tỉnh, luật sư không được HĐXX phúc thẩm chấp nhận. Kết thúc phiên xử phúc thẩm, HĐXX vẫn tuyên giữ y án sơ thẩm, tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Võ Quá, La O Hệt, La O Quề phạm tội hủy hoại rừng. Trong đó, Quá lãnh án 5 năm tù, Hệt lãnh án 3 năm 6 tháng tù và Quề lãnh án 3 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho UBND xã Phú Mỡ hơn 338 triệu đồng.

 

Có thể nói rằng, vụ phá rừng của các bị cáo ở khu vực Suối Tăng, thuộc khoảnh 5, tiểu khu 68, xã Phú Mỡ tạm khép lại. Tuy nhiên, dư luận có quyền đặt câu hỏi bản án có đủ sức răn đe những kẻ phá rừng, nhất là những người bỏ tiền ra đứng đằng sau lợi dụng để thuê người đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo thiếu hiểu biết về pháp luật để trục lợi. Và rồi đây, gia đình các bị cáo sẽ như thế nào khi họ là lao động chính của gia đình, vì đi làm thuê làm mướn, vì thiếu hiểu biết phải ngồi tù? Và liệu rừng có thôi bị tàn phá khi những tên lâm tặc “giấu mặt” còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?

 

 

1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3-10 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 

c) Hủy hoại diện tích rừng rất lớn;

 

d) Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ;

 

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7-15 năm:

 

a) Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn;

 

b) Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

 

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

 

(Điều 189, Bộ luật Hình sự quy định về tội hủy hoại rừng)

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek