Báo Phú Yên số ra ngày 17/3 có bài “Chưa hoàn tất thủ tục, vẫn cho người khai thác gỗ” và ngày 19/3 có tin phản hồi “Chủ rừng nhận thiếu sót và dừng việc thu gom cây” phản ánh việc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Hòa khai thác tận thu gỗ rừng trồng nhưng không lập phương án và báo cáo cơ quan chức năng theo quy định. Kết quả kiểm tra ban đầu đã có nhưng do khối lượng gỗ khai thác tương đối nhiều, lại chưa được xác định cụ thể nên vụ việc đã được chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để làm rõ.
Chưa xác định được khối lượng gỗ khai thác
Theo Sở NN-PTNT, sau khi biết tin Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Hòa (BQL RPH Tây Hòa) chưa hoàn tất thủ tục nhưng đã khai thác tận thu cây rừng trồng bị đổ, ngã do bão số 12/2017 gây ra, đơn vị đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm triển khai lực lượng, kiểm đếm lại khối lượng, số lượng cây bị chặt, đồng thời có báo cáo cụ thể để xem xét việc sai phạm nói trên. Từ ngày 14-17/3, qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định tại khu vực dốc Cây Tung và Suối Buôn thuộc tiểu khu V9.2, thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây có 491 cây rừng trồng loại dầu rái và sao đen bị cắt, đường kính mặt cắt gốc từ 14-64cm.
Hiện trường khai thác rải rác, không có khai thác trắng, toàn bộ số cây gỗ khai thác đã được đưa ra khỏi rừng. Số lượng gỗ rừng trồng đã khai thác đưa về Trạm quản lý bảo vệ rừng Lạc Đạo là 43 lóng gỗ dầu rái và sao đen với khối lượng 8,9m3. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa còn kiểm tra, phát hiện, lập biên bản tạm giữ 1,454m3 gỗ dầu rái và 5 ster củi (số gỗ và củi này đã được đưa về Trạm Kiểm lâm Sơn Thành Tây)…
Theo BQL RPH Tây Hòa, tại khu vực dốc Cây Tung và Suối Buôn thuộc tiểu khu V9.2 chủ yếu trồng các loại cây dầu rái và sao đen từ những năm 1993, 1994 và 1996. Các loại cây này phải từ 45-50 năm mới đủ tuổi khai thác, nhưng do bão số 12/2017 làm đổ, gãy nên phải khai thác cây non và khối lượng gỗ không nhiều. Tại hiện trường khai thác gỗ rừng trồng ở hai khu vực nói trên, đa số cây bị khai thác có gốc ngã nghiêng hoặc tróc gốc do bão nhưng cũng có nhiều cây gốc đứng, chứng tỏ cây không bị đổ ngã.
Giải thích về vấn đề này, ông Phan Phiến, Giám đốc BQL RPH Tây Hòa cho biết, những cây đã khai thác có gốc đứng là những cây bị gãy đọt hoặc gãy thân không thể tiếp tục phát triển. Do nhận thấy người dân lợi dụng ban đêm, Tết Nguyên đán, ngày nghỉ… để vào rừng chặt phá trái phép nên BQL RPH Tây Hòa vội thu gom gỗ có đường kính trên 20cm. Số gỗ đã khai thác đều tập kết tại Trạm quản lý bảo vệ rừng Lạc Đạo để làm thủ tục báo cáo các cơ quan chức năng nghiệm thu, đấu giá bán sản phẩm tận thu…
Tại buổi giao ban báo chí tổ chức vào chiều 6/4, ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, chưa thể nói chính xác khối lượng gỗ đã khai thác tận thu của 491 cây dầu rái và sao đen nêu trên do gỗ không còn ở hiện trường. Theo ông Bé, cần thành lập hội đồng chuyên môn mới xác định chính xác khối lượng gỗ đã bị khai thác… Tuy nhiên, một nguồn tin của Báo Phú Yên cho hay, khối lượng gỗ đã khai thác từ 491 cây nêu trên ước khoảng 115m3.
Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra
Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, việc BQL RPH Tây Hòa tổ chức khai thác, không đo đếm, lập bảng kê tính toán khối lượng, số lượng cây rừng trồng bị đổ, gãy và không báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa, UBND xã Sơn Thành Tây để biết phối hợp kiểm tra trước khi khai thác tận thu là không đúng quy trình, thủ tục quy định.
Sở NN-PTNT đã chỉ đạo BQL RPH Tây Hòa dừng ngay việc khai thác gỗ rừng trồng tận thu, tăng cường tuần tra quản lý bảo vệ rừng tại các khu vực nêu trên; đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và nguyên nhân để xảy ra việc khai thác cây rừng trồng không đúng quy định. Sở cũng chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm.
Cũng theo Sở NN-PTNT, khu vực dốc Cây Tung và Suối Buôn thuộc tiểu khu V9.2 do BQL RPH Tây Hòa quản lý có gần 98ha được quy hoạch đất rừng sản xuất (quy hoạch 3 loại rừng năm 2007); trong đó, đất có rừng trồng cây dầu rái, sao đen hơn 94,3ha, phần còn lại là đất không có rừng đang được người dân canh tác. Nhưng theo quy hoạch 3 loại rừng năm 2017 của tỉnh thì khu vực nói trên có khoảng 4ha quy hoạch đất rừng sản xuất (đất có rừng trồng cây dầu rái, sao đen), gần 94ha đất ngoài 3 loại rừng.
Sau cơn bão số 12 năm 2017, BQL RPH Tây Hòa đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Phòng NN-PTNT huyện, UBND xã Sơn Thành Tây kiểm tra, xác nhận diện tích rừng trồng bị thiệt hại. Kết quả kiểm tra có 83,4ha rừng trồng có cây bị đổ, gãy với tỉ lệ thiệt hại từ 5-10%.
Quá trình tổ chức khai thác, quản lý bảo vệ rừng của BQL RPH Tây Hòa còn nhiều thiếu sót, không đúng quy định nên người dân thấy vậy cũng vào khai thác tận thu. Riêng tại khu vực dốc Cây Tung có gần 34,8ha đất rừng, Công ty CP I.D.P (TP Tuy Hòa) đã có hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư và Sở KH-ĐT có văn bản lấy ý kiến các ngành để thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Trang trại nuôi heo công nghệ cao.
Theo ông Lê Văn Bé, pháp luật quy định nếu khai thác trên 20m3 gỗ rừng trồng sai quy định thì đã bị khởi tố hình sự theo Điều 232 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Với số lượng cây đã chặt là 491 cây, đường kính thân như thế, thì khối lượng gỗ rất lớn. Do vậy, sau khi cùng với các lực lượng công an, viện kiểm sát khám nghiệm hiện trường, Chi cục Kiểm lâm đã lập hồ sơ và chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tây Hòa thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Ông Nguyễn Hữu Trị, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho biết: Sau khi nhận được báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện tiếp nhận hồ sơ, tiến hành điều tra, xác minh cụ thể, lập biên bản và căn cứ các quy định hiện hành triển khai các bước tiếp theo đảm bảo xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
ANH NGỌC