Thứ Sáu, 29/11/2024 01:34 SA
Đập tan “Kế hoạch sang sông” của nhóm khủng bố Việt Tân
Thứ Hai, 03/12/2007 07:28 SA

Vừa qua, Cơ quan An ninh Việt Nam đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 7 đối tượng thuộc tổ chức phản động “Việt Nam canh tân cách mạng” (Việt Tân) cùng rất nhiều tang vật khi chúng đang chuẩn bị tiến hành âm mưu khủng bố trong một kế hoạch được chúng gọi là “Kế hoạch sang sông”.

 

071203-ss2.jpg

Các đối tượng thực hiện “Kế hoạch sang sông 07” bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt giữ  - Ảnh: TTO

 

7 kẻ này gồm: Nguyễn Thị Thanh Vân (Việt kiều Pháp), Trương Văn Sỹ, Lê Văn Phan, Nguyễn Thị Thịnh (Việt kiều Mỹ), Lưu Ngọc Bang (Việt kiều Thái Lan), Nguyễn Việt Trung và Nguyễn Thế Vũ... Và điều không ngạc nhiên là một số cơ quan thông tin của nước ngoài đã vội vã ra lời ủng hộ những kẻ khủng bố này. Vậy sự thực là thế nào?

 

NHỮNG KẾ HOẠCH CỦA NHÓM KHỦNG BỐ VIỆT TÂN

 

Thất bại trong những âm mưu xâm nhập Việt Nam để tiến hành vũ trang bạo loạn qua các “chiến dịch Đông tiến 1, 2, 3” vào những năm giữa và cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, cùng với sự đền tội của Hoàng Cơ Minh, kẻ cầm đầu cái gọi là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” và “Việt Nam canh tân cách mạng” (Việt Tân), bọn cầm đầu Việt Tân chỉ quan tâm đến việc đấu đá để tranh giành quyền lực nhằm chia chác gần 10 triệu USD, là tiền bọn chúng cưỡng bách cộng đồng người Việt hải ngoại phải đóng góp để “ủng hộ kháng chiến”, cũng như tiền kiếm được qua kinh doanh hệ thống “phở Hòa”.

 

Sau khi củng cố lại lực lượng, bầu bán các chức vụ, Việt Tân đã tổ chức “lễ ra mắt” tại Berlin, Đức vào ngày 19/9/2004.

 

Tiếp theo lễ ra mắt, nhằm phô trương lực lượng, lừa bịp người Việt ở nước ngoài, bọn cầm đầu liên tiếp cho ra đời các “ban đại diện” ở Mỹ, Canada, Australia, Nhật, Pháp, Bỉ..., cùng các tổ chức ngoại vi với những tên gọi xem ra rất hiền lành, như “Liên minh Việt Nam tự do”, “Hội chuyên gia Việt Nam hải ngoại”, “Ủy ban vận động chính trị người Mỹ gốc Việt”, “Mạng lưới tuổi trẻ Việt Nam lên đường”...

 

Song song với những việc này, chúng lập ra “Ban phát triển quốc nội”, “Nhóm công tác C21” mà mục tiêu là tuyển mộ thành viên cho Việt Tân.

 

Tại những nơi có nhiều người Việt đang làm việc như Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản..., Việt Tân tung ra những chiến dịch tuyên truyền, rủ rê lôi kéo người nhẹ dạ cả tin dưới hình thức trợ giúp pháp lý, dạy nghề, thăm viếng, tặng quà, tổ chức ca nhạc miễn phí rồi tiến hành huấn luyện các kỹ thuật khủng bố, đợi thời cơ tung về nước hoạt động.

 

Cuối năm 2006, tại Mỹ, Việt Tân tổ chức cái gọi là “Đại hội 6”. Trong “đại hội” này, những kẻ cầm đầu Việt Tân là Lý Thái Hùng, Đỗ Hoàng Điềm đã vạch ra kế hoạch, mà chúng đặt tên là “Kế hoạch sang sông” (hay còn gọi là Đông tiến 07) với mục tiêu trong năm 2007, bằng mọi cách phải công khai hóa tổ chức Việt Tân ở trong nước để làm “ngòi nổ” cho các tổ chức chính trị đối lập khác ra đời.

 

Theo nhận định của bọn chóp bu, nếu Nhà nước Việt Nam không “làm gì được” trước sự xuất hiện công khai của Việt Tân vì e ngại “áp lực quốc tế”, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên WTO, và đang chuẩn bị để trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, thì những nhân vật bất mãn, cơ hội, chống đối khác sẽ nhân dịp đó ngoi lên.

 

Với tiền bạc sẵn có trong tay, bọn chóp bu cầm đầu Việt Tân chắc mẩm rằng sẽ “mua đứt” những nhân vật ấy, tạo thêm vây cánh, thực lực.

 

Để thực hiện kế hoạch này, Việt Tân cử một số thành viên hải ngoại về nước - trong đó có cả cấp “ủy viên trung ương”, tiến hành chỉ đạo cơ sở nội địa hoạt động phá rối an ninh trong ngày bầu cử Quốc hội khóa XII (20/5/2007).

 

Bên cạnh đó, chúng liên kết với những nhóm phản động khác như tổ chức “Dân chủ nhân dân” do Đỗ Thành Công cầm đầu, “Liên minh dân chủ” do Lê Minh Nguyên cầm đầu và “Chính phủ Việt Nam tự do” của trùm khủng bố Nguyễn Hữu Chánh nhằm tạo ra một thế lực liên hoàn chống phá Nhà nước Việt Nam.

 

Cụ thể là tháng 2/2007, lợi dụng chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Công ty Tài chính quốc tế, Việt Tân đã cài “ủy viên trung ương” là Hoàng Tử Duy trà trộn vào, đồng thời với Nguyễn Ngọc Đức, xâm nhập Việt Nam theo biên giới Việt Nam - Campuchia để cùng phối hợp chỉ đạo hoạt động phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội.

 

Trước đó, chúng cũng đã cài người vào nhóm dân biểu Mỹ, Na Uy khi họ sang thăm Việt Nam để tiến hành âm mưu móc nối với một số thành phần cơ hội chính trị trong nước. Tuy nhiên, tất cả những hành vi này đã bị Cơ quan An ninh Việt Nam đập tan.

 

“KẾ HOẠCH SANG SÔNG”

 

Sinh năm 1956, sang Pháp du học từ trước năm 1975 rồi ở lại định cư, Nguyễn Thị Thanh Vân (còn có tên gọi khác là chị Năm, Thành), gia nhập tổ chức phản động Việt Tân năm 1990 và làm việc cho tờ báo phản động “Việt Nam dân chủ”, đài phát thanh “Chân trời mới” với bút danh Thanh Thảo.

 

Trên hai phương tiện truyền thông này, Nguyễn Thị Thanh Vân thường xuyên có những bài viết xuyên tạc, vu khống Việt Nam.

 

Đầu tháng 11/2007, theo sự chỉ đạo của Trần Đức Tường, “ủy viên trung ương Việt Tân”, Nguyễn Thị Thanh Vân từ Pháp sang Campuchia để gặp Lưu Ngọc Bang (tức Khumni Somsak, người Thái Lan gốc Việt) rồi sau đó, Vân cùng Bang mang về Việt Nam 900 huy hiệu (logo) Việt Tân để tán phát, nhằm thực hiện ý đồ công khai hóa tổ chức Việt Tân.

 

Vào thời điểm ấy, Trương Văn Sỹ (tức Trương Leon, anh Ba), Việt kiều Mỹ, sinh sống ở bang Hawaii cũng bay về Việt Nam.

 

Gia nhập Việt Tân năm 2005 do Trần Văn Kông, là đại diện Việt Tân tại Hawaii giới thiệu, Trương Văn Sỹ hàng tháng rảo qua các chợ, siêu thị có đông người Việt kinh doanh, mua bán ở Hawaii để phân phát tài liệu, truyền đơn, tuyên truyền cho tổ chức.

 

Khi nhập cảnh Việt Nam, Trương Văn Sỹ được bọn cầm đầu giao nhiệm vụ cùng Nguyễn Thị Thanh Vân và Lưu Ngọc Bang chuẩn bị truyền đơn, logo để các “cơ sở quốc nội” là Nguyễn Thế Vũ và Nguyễn Viết Trung tán phát.

 

Nhằm tránh sự phát hiện của Cơ quan An ninh Việt Nam, bọn khủng bố Việt Tân chia ra ở nhiều nơi. Ngày 12/11/2007, Khumni Somsak đi ôtô từ Phnôm Pênh, Campuchia sang TP HCM, thuê phòng tại khách sạn Lan Anh, số 252 đường Đề Thám, quận 1. Trương Văn Sỹ thì tạm trú tại khách sạn Thái Bình, số 323/2 đường Phạm Ngũ Lão, quận 1.

 

Đặc biệt hơn, Lý Seng, một thành viên của Việt Tân, sử dụng giấy tờ giả để vào Việt Nam theo đường Tây Ninh nhằm đánh giá khả năng bảo vệ biên giới của chính quyền Việt Nam, đồng thời tạo ra một đường dây xâm nhập mới.

 

Sau đó, ngày 17/11/2007, cả bọn hẹn nhau đến nhà Nguyễn Thế Vũ để lấy bao thơ, cho truyền đơn vào rồi gửi đi theo đường bưu điện, nhằm đánh lạc hướng Cơ quan An ninh Việt Nam, cũng như tạo cho người nhận cảm tưởng rằng Việt Tân là một tổ chức mạnh, có mặt nhiều nơi trong cả nước.

 

Sinh năm 1977 tại Thanh Hóa, Nguyễn Thế Vũ, nhân viên Công ty Toyo Pulppy Việt Nam, trụ sở tại TP HCM, được Nguyễn Đức Thuận, là con của người bác ruột, hiện sinh sống tại Na Uy, “đại diện Việt Tân” tại Na Uy móc nối và tuyển mộ.

 

Khi tiến hành “kế hoạch sang sông”, từ Na Uy, Nguyễn Đức Thuận chuyển cho Nguyễn Thế Vũ 1.000 USD để Vũ mua 8 nghìn chiếc phong bì và máy in. Chiếc máy in đó, Nguyễn Thế Vũ chuyển cho em ruột là Nguyễn Việt Trung, Giám đốc Công ty TNHH Trung Quân tại TP Phan Thiết.

 

Cũng như Nguyễn Thế Vũ, Nguyễn Việt Trung được Nguyễn Đức Thuận móc nối gia nhập tổ chức phản động Việt Tân. Khi nhận được máy in, Trung vào hộp thư điện tử của mình, tải bản mẫu truyền đơn do Thuận gửi rồi in ra 7 nghìn bản. Sau đó, ngày 16/11/2007, Trung cho tất cả số truyền đơn này vào 2 túi xách, từ Phan Thiết mang vào TP HCM, giao cho Nguyễn Thế Vũ.

 

Ngày 17/11/2007, lần lượt Nguyễn Thị Thanh Vân, Trương Văn Sỹ, Khumni Somsak đến nhà Vũ. Trước đó, theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Thế Vũ đã thu thập danh sách và địa chỉ của hơn 40 công ty và 7.000 địa chỉ cá nhân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

 

Tại nhà Vũ, căn cứ vào những địa chỉ mà Nguyễn Thế Vũ cung cấp, cả bọn cho truyền đơn vào phong bì rồi cắt, dán tên người nhận. Nội dung truyền đơn kêu gọi người dân đứng lên vũ trang bạo loạn, kêu gọi công nhân đình công, gây bất ổn trong xã hội, kêu gọi gia nhập tổ chức Việt Tân rồi nương theo đó, Việt Tân sẽ lật đổ chính quyền.

 

Theo kế hoạch, nếu việc gửi truyền đơn, logo Việt Tân trót lọt, chúng sẽ tiếp tục đưa thêm nhiều toán khác về nước để tuyển mộ, tập hợp lực lượng, biến Việt Tân thành một tổ chức đối đầu công khai, kích động người dân biểu tình, bạo loạn lật đổ Nhà nước.

 

Tuy nhiên, khi cả bọn đang tiến hành cắt dán thì bị Cơ quan An ninh Việt Nam bắt quả tang, với tang vật gồm 6.750 tờ truyền đơn, 1.100 phong bì đã dán tem, 7.025 phong bì chưa dán tem, 3.775 tem thư loại 800 đồng, 900 logo, 990 danh thiếp...

 

Do chưa biết Vân, Sỹ, Bang đã bị bắt, Việt Tân cử tiếp hai thành viên là vợ chồng Lê Văn Phan - Nguyễn Thị Thịnh, Việt kiều Mỹ, nhập cảnh Việt Nam trên chuyến bay CX 767, mang theo 1 súng ngắn kiểu Luger và 13 viên đạn để yểm trợ đồng bọn.

 

Điều ngạc nhiên là sau vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ, chính quyền Mỹ đã siết chặt các biện pháp an ninh, đặc biệt là an ninh hàng không như kiểm tra cả... đế giày, không cho mang chất lỏng lên máy bay nhưng chẳng hiểu sao, khẩu súng Luger với 13 viên đạn, lại dễ dàng lọt qua máy soi hành lý, lọt qua khám xét của nhân viên hải quan - không chỉ ở sân bay Los Angeles mà còn cả ở sân bay trung chuyển.

 

Cũng cần nhắc lại rằng năm 2002, bọn chóp bu Việt Tân đã chi 50.000 USD cho các đối tượng là thành viên tham gia các “chiến dịch đông tiến”, bị xử tù và đã được tha, để bọn này tìm cách mua vũ khí, thành lập những “đội cảm tử”, tiến hành ám sát cán bộ, đặc biệt là cán bộ công an Việt Nam.

 

Sau khi Nguyễn Thị Thanh Vân, Trương Văn Sỹ, Lưu Ngọc Bang, Nguyễn Việt Trung, Nguyễn Thế Vũ bị bắt, bọn cầm đầu Việt Tân ở Mỹ vội vã công bố liên tiếp 3 “thông cáo báo chí”, trong đó ngoài việc vu khống Nhà nước Việt Nam “đàn áp phong trào dân chủ”, chúng còn toan tính âm mưu “quốc tế hóa” sự vụ bằng cách yêu cầu Đại sứ quán Mỹ, Pháp, Thái Lan phải bảo vệ công dân của họ.

 

Trong những thông cáo báo chí này, Việt Tân không giấu giếm ý đồ của mình, là “Việt Tân hải ngoại về để cùng phối hợp với anh chị em quốc nội”, đồng thời công khai danh tính của 3 người bị bắt là Nguyễn Thị Thanh Vân, Trương Văn Sỹ và Lưu Ngọc Bang vì theo “phát ngôn viên” của Việt Tân là Đặng Thanh Chi, cả 3 đều mang quốc tịch nước ngoài, nên Việt Nam không thể... xử lý!

 

Vẫn theo Đặng Thanh Chi, nếu sự việc diễn ra đúng như vậy, thì các thành viên Việt Tân khác hiện đang mang quốc tịch nước ngoài, “chẳng có gì phải sợ khi về Việt Nam hoạt động”.

 

Sau khi đập tan âm mưu của nhóm khủng bố Việt Tân, ngày 19/11/2007, Bộ Công an Việt Nam đã thông báo cho ông Christopher A. Murray, viên chức an ninh thuộc tòa Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM biết về việc bắt giữ Trương Văn Sỹ, Việt kiều Mỹ, đồng thời thông báo đến Bộ Ngoại giao Việt Nam để nơi đây thông tin cho các quốc gia liên quan như Pháp, Thái Lan theo thỏa thuận đã ký kết.

 

Một lần nữa, Việt Tân lại công khai ý đồ lật đổ chính quyền Việt Nam. Nếu như trước đây, ý đồ này được thực hiện bằng các cuộc xâm nhập với hàng trăm tên, vũ trang súng, đạn, chất nổ thì lần này, để tránh né hai chữ “khủng bố”, chúng chuyển sang hình thức gửi truyền đơn, huy hiệu mặc dù thực chất hành vi này vẫn chỉ là một trong những hành vi khủng bố.

 

Tuy nhiên, bọn cầm đầu Việt Tân phải thấy rằng sự đền tội của Hoàng Cơ Minh cùng hàng trăm tên phản động, là bài học nhãn tiền mà nếu không nhanh chóng nhận ra, thì số phận của những kẻ “sang sông”, chắc chắn sẽ chết đuối giữa dòng. 

 

Theo CAND

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek